MÃN KINH LÀ MỘT YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA LOÃNG XƯƠNG

06/11/2014 07:39        
Bên cạnh sự thiếu hụt tác động trực tiếp của estrogen lên chuyển hóa xương, thiểu năng estrogen cũng có tác động bất lợi đến hệ cơ, tại đây hiệu ứng đồng hóa bị sụt giảm. Giảm tính năng của hệ cơ sẽ dẫn đến tiêu xương thông qua cơ chế cơ-sinh học. Sự gia tăng mất calci từ xương sẽ dẫn đến ức chế sản xuất parathormon.

Thiểu năng estrogen làm giảm hoạt động của α1-hydroxylase của thận, làm cho vitamin D3 hoạt động ít được hình thành. Điều này làm giảm hấp thu calci tại ruột non, làm cho cân bằng calci trở nên âm tính.

Bên cạnh đó sự giảm chế tiết calcitonin từ tế bào C tuyến giáp do thiểu năng estrogen cũng có vai trò nhất định. Thông qua đó cũng dẫn đến sự sụt giảm khối lượng xương ở nhiều mức độ khác nhau, không liên tục và đặc biệt rất rõ rệt khoảng 10-15 năm sau khi mãn kinh.

Sau khi mãn kinh khoảng 2/3 phụ nữ sẽ có sự mất chất khoáng ở xương với tốc độ 0,5-1% /năm và được xem là sinh lý (“người mất xương chậm”). Khoảng 1/3 các phụ nữ sẽ diễn ra sự mất xương nhiều, không liên tục với tốc độ đến 5%, trong một số trường hợp ngoại lệ lên đến 10% năm (“người mất xương nhanh”)



Dựa trên tài liệu: Nội tiết học sinh sản- Nam học , tác giả bảng tiếng Đức: Chistoph Keck, Joseph Neulen, Hermann M. Behre, Meinert Breckwoldt; dịch thuật: Phan Gia Anh Bảo, Nguyễn Vũ Quốc Huy, Châu Khắc Tú

 

Liên kết