ẢNH HƯỞNG CỦA DẬY THÌ MUỘN CHỨNG NHI HÓA VĨNH VIỄN ĐỐI VỚI TRẺ

04/08/2016 15:12        
1. Ảnh hưởng của dậy thì muộn đối với trẻ
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra chứng dậy thì muộn mà ảnh hưởng của nó đến tâm, sinh lý khác nhau. Một đặc điểm chung về tâm lý dễ nhận thấy thấy là khi dậy thì muộn thì các em cảm thấy xấu hổ với bạn bè đồng lứa và lo lắng về khả năng sinh sản sau này.

Tuy nhiên, nhìn chung, dậy thì muộn không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn gái sau này. Sau khi dậy thì, có thể bạn gái sẽ vẫn có khả năng sinh sản bình thường. Bạn gái cần biết điều này để có cách ứng xử phù hợp khi bản thân hoặc bạn bè gặp phải hiện tượng dậy thì muộn.

Những em trai mắc căn bệnh dậy thì muộn thì thiệt thòi và phức tạp hơn nhiều như khó làm chồng, làm cha hơn. Nhưng tùy theo nguyên nhân, bác sĩ vẫn có thể can thiệp điều trị hiệu quả với nhiều trường hợp.

2. Điều trị dậy thì muộn ở trẻ
Điều trị nguyên nhân, có thể dùng hooc-môn thay thế. Trẻ trai dùng testosteron chậm tiêm hay uống, bắt đầu chỉ định từ tuổi xương 13 tuổi. Trẻ gái dùng estrogene tiêm, tiếp progesterone để kích thích dậy thì.

Nhiều trường hợp dậy thì muộn do di truyền khi cha mẹ, chú bác, cô, dì, anh em, chị em, hoặc anh em họ cũng phát triển muộn hơn bình thường. Trường hợp này không cần bất kỳ một điều trị nào, trẻ sẽ dậy thì nhưng muộn hơn bình thường.

3. Chứng nhi hóa giới tính vĩnh viễn
Nhi hóa giới tính là một căn bệnh bẩm sinh phức tạp. Trẻ bị mắc bệnh này hầu như không có các biểu hiện của giới tính khi đến tuổi dậy thì và cả sau này. Nghĩa là trẻ không thể có hành kinh, ngực và lông cũng không phát triển. Khi bị mắc bệnh này, cơ hội làm mẹ của trẻ gái gần như không còn.

Nguyên nhân có thể do các bệnh bẩm sinh ở dưới đồi tuyến yên hoặc buồng trứng gây nên. Để phân biệt được hai nguyên nhân này, cần phải dựa vào việc hoán nghiệm nồng độ LH và FSH (hooc-môn kích thích sinh dục, do thuỳ trước tuyến yên tiết ra, được điều tiết bởi tuyến sinh dục (buồng trứng và tinh hoàn) ở cả hai giới tính) trong máu.

Khi có bệnh ở tuyến yên vùng dưới đồi, việc tổng hợp và tiết ra LH, FSH thường không đủ. Nồng độ LH, FSH trong máu thấp hơn bình thường không đủ kích hoạt cho buồng trứng phát dục. Ngược lại, khi chính buồng trứng mắc bệnh, chẳng hạn buồng trứng không có tế bào noãn mẫu hoặc nang noãn, LH, FSH tiết ra nhiều nhưng không thể có được nang noãn phát dục. Khi đó, oestrogen tiết ra khiến nồng độ LH, FSH cao hơn mức bình thường.

Đối với trường hợp thứ nhất, có thể điều trị bằng bổ sung hooc-môn sinh dục cho tuyến yên vùng dưới đồi. Đối với bệnh nhân dạng thứ hai, không có cách nào làm tái sinh các tế bào trứng trong buồng trứng được. Do vậy, việc xác định nguyên nhân gây bệnh là hết sức quan trọng.

Người mắc bệnh nhi hóa giới không thể có hành kinh một cách tự nhiên. Y học quy định nếu 18 tuổi mà nữ thanh niên chưa có kinh thì người đó bị vô kinh nguyên phát (bẩm sinh). Nhi hóa giới tính chỉ là một trong những nguyên nhân gây chứng vô kinh nguyên phát.

Dậy thì muộn và nhi hóa vĩnh viễn là hai bệnh liên quan đến dậy thì và gây ra nhiều lo lắng cho trẻ cũng như các bậc phụ huynh. Bởi vì điều này còn liên quan mật thiết tới khả năng làm vợ, làm mẹ, làm chồng, làm cha của trẻ sau này.


Phạm Huỳnh Thúy Ngân
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa

Nguồn:nhatkybe.vn


 

Liên kết