THAI CHẬM PHÁT TRIỂN TRONG TỬ CUNG - BẠN CÓ BIẾT ?

02/12/2015 15:30        
Làm sao có thể biết được ?
Bác sĩ và thai phụ chỉ có thể nhận biết được thai chậm phát triển so với tuổi thai qua một quá trình theo dõi liên tục. Điều này có nghĩa là bà mẹ mang thai phải khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

Những bà mẹ nào dễ có tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung ?
Tất cả những phụ nữ bị các bệnh như cao huyết áp, bệnh lý thận, bệnh phổi, tiểu đường, bệnh của chất tạo keo,bệnh lý về hồng cầu hoặc bạch cầu,hội chứng kháng phospho-lipid…
Mẹ hút thuốc lá, nghiện rượu,sử dụng heroin, cocain…
Mẹ bị suy dinh dưỡng trầm trọng
Bệnh lý của nhau thai ( suy tuần hoàn nhau thai)
Đa thai ( song thai, tam thai…)
Mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng
Mẹ có những rối loạn về di truyền
Mẹ thường xuyên tiếp xúc với những chất độc hại

Thai chậm phát triển sẽ gặp những nguy hiểm gì ?
Tỷ lệ bệnh tật và tử vong sau sinh gia tăng.
Những biến chứng trong lúc sinh và sau sinh cũng gia tăng.
Thiểu ối hoặc vô ối ( dân gian gọi là thiếu ối hoặc khô nước ối) thường xảy ra. Nước ối quá ít gây nên sự chèn ép dây rốn dẫn đến suy thai và tử vong khi trẻ còn ở trong bụng mẹ hoặc sau sinh trong thời gian rất ngắn.
Khi lớn lên, các bé đã từng là thai chậm phát triển trong tử cung có nguy cơ bị những di chứng trầm trọng về thần kinh, kém phát triển trí tuệ, cao huyết áp lúc về già, và những biến chứng về tim mạch…

Làm thế nào để phát hiện sớm thai chậm phát triển trong tử cung ?
Trước khi chuẩn bị có thai bạn nên đi kiểm tra sức khỏe tổng quát dù cơ thể bạn đang khỏe mạnh.
Lưu giữ cẩn thận các giấy tờ có ghi nhận tình trạng  bệnh tật ( nếu có).
Nên đi khám càng sớm càng tốt ngay khi trễ kinh hoặc nghi ngờ có thai để được bác sĩ tư vấn các vấn đề liên quan đến thai kỳ và xác định tuổi thai chính xác.
Đi khám thai đúng lịch hẹn để theo dõi và phát hiện sớm thai chậm phát triển trong tử cung từ đó có hướng xử trí-điều trị kịp thời.
Bác sĩ sẽ đánh giá sự phát triển của thai nhi qua thăm khám, đo bề cao tử cung , siêu âm và dựa trên biểu đồ tăng trưởng của thai.

Khi thai nhi chậm phát triển chúng ta cần làm gì ?
Tích cực khám để tìm ra nguyên nhân, khám và điều trị các bệnh lý nội khoa có liên quan.
Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi.
Không hút thuốc lá không uống rượu bia hoặc sử dụng các chất gây nghiện.
Khi nằm nghỉ, nên nghiêng về bên trái giúp tăng lượng máu đến tử cung → tăng cung cấp oxy và dinh dưỡng cho thai.
Khám thai đúng lịch (ghi trong sổ khám thai).
Khi thai > 20 tuần, bạn có thể cảm nhận được thai cử động ở trong bụng mình. Bạn hãy đếm số lần thai cử động trong ngày theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bạn cũng được theo dõi sức khỏe thai bằng máy monitoring tại cơ sở y tế.
Siêu âm đo lượng nước ối, nhìn cử động của thai nhi, đo nhịp tim thai, đo các kích thước của thai (vòng đầu, chiều dài xương đùi, vòng bụng, đường kính lưỡng đỉnh). Nếu tuổi thai và cân nặng có sự chênh lệch quá xa hoặc các số đo có bất thường…thì bác sĩ sẽ cho kiểm tra tất cả các bộ phận khác nhằm tìm ra chẩn đoán, đánh giá sự tiến triển, độ trầm trọng của thai chậm phát triển.
Bạn nên sinh ở bệnh viện có điều kiện tốt về hồi sức sơ sinh. Lấy thai ra khỏi tử cung đúng thời điểm là việc vô cùng quan trọng.
Tóm lại, khám thai đều đặn giúp phát hiện sớm thai chậm phát triển, theo dõi, điều trị và quyết định can thiệp đúng lúc để tránh tử vong cho thai nhi đồng thời hạn chế những tổn thương não với di chứng nặng nề về tâm thần và vận động về sau./.


Nguồn:  Sách sản phụ khoa – ĐHYD Tp HCM
  Sản phụ khoa- Những điều cần biết
   Phác đồ điều trị của bệnh viện Từ Dũ – 2012








 

Liên kết