Trả lời:
Phá thai bằng thuốc (hay còn gọi là phá thai nội khoa) là một trong những biện pháp được dùng để đình chỉ thai kì (tức là cho thai ra ngoài). Tuy nhiên, phương pháp này không hẳn được coi là “hoàn hảo” và không phổ biến với tất cả mọi người. Phá thai bằng thuốc chỉ được áp dụng với thai dưới 50 ngày và cho những thai phụ vì điều kiện đặc biệt không thể làm bằng ngoại khoa (nạo, hút thai).
Thuốc dùng để bỏ thai có chứa nhóm mifepristone có tác dụng đối kháng với pro-gesteron nên cản trở quá trình trứng làm tổ sau khi thụ tinh và bám chắc vào niêm mạc tử cung. Còn nhóm thuốc misoprostol trong thuốc sẽ tăng cường co bóp cơ tử cung để tống thai ra ngoài sau khi mifepristone đã làm bong thai ra khỏi niêm mạc tử cung. Để phá thai, 2 nhóm thuốc trên nhất thiết phải kết hợp với nhau.
Phác đồ phá thai bằng thuốc gồm 3 bước: Làm bong thai, đẩy thai ra ngoài và kiểm tra hiệu quả. Việc kiểm tra hiệu quả được thực hiện sau khi bỏ thai 14 ngày. Nếu siêu âm vẫn thấy thai phát triển và tim thai vẫn đập thì bắt buộc phải phá bằng phương pháp khác; không được giữ thai vì thuốc có những tác hại cho thai nhi.
Mặc dù có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, không gây đau đớn… nhưng bỏ thai bằng thuốc vẫn có những tác dụng phụ giống các biện pháp phá thai khác như: ra máu, rỉ máu kéo dài, buồn nôn, nôn… Thậm chí trong trường hợp thai chưa được đẩy ra và vẫn phát triển thì còn gây nguy hiểm cho thai nhi, dễ dẫn đến các dị tật bẩm sinh.
Không được áp dụng phá thai bằng thuốc cho các trường hợp thai ngoài tử cung, đang mang vòng, thiếu máu nặng, bị bệnh gan và thận, dùng corticoid kéo dài. Ngoài ra, khi áp dụng phương pháp phá thai nội khoa, người bệnh không được dùng các thuốc phenitoin, phenobarbital, carbamazepine (vì các thuốc này làm giảm hiệu lực mifepristone) và cũng không được dùng các kháng viêm không steroid (vì làm giảm hiệu lực của phương pháp).
Tốt nhất bạn nên đi khám để yên tâm về sức khỏe của mình (nếu tự ý dùng thuốc bỏ thai là rất nguy hiểm). Để biết kết quả sau khi bỏ thai là thành công hay không (thai nhi đã ra ngoài hay chưa) thì bạn nên đi kiểm tra (siêu âm) lại theo đúng yêu cầu của bác sĩ.
Đỗ Thị Thanh Thúy
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa