Thực chất “điều hòa kinh nguyệt” chính là phương pháp chấm dứt thai kỳ không mong muốn bằng cách lấy thai ra khỏi buồng tử cung. Thuật ngữ này không phản ánh đúng ý nghĩa của thủ thuật, khiến nhiều người hiểu nhầm nên hiện nay người ta dùng thuật ngữ “hút thai” để thay thế thuật ngữ “điều hòa kinh nguyệt”.
“Hút thai” là phương pháp dùng ống hút chân không đưa vào buồng tử cung để hút thai ra. Mặc dù đây là phương pháp tương đối nhẹ nhàng, ít đau nhưng cũng không ít tai biến có thể xảy ra cho các chị em. Ngoài những tai biến tức thì như sốc thuốc, chảy máu, sót nhau, sót thai hay nhiễm trùng… “hút thai” còn có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến tương lai sản khoa của người phụ nữ.
Viêm nhiễm đường sinh dục rất thường xảy ra sau hút thai, vì đa số là không có triệu chứng gì đặc biệt nên các chị em cũng chủ quan không đi khám và điều trị kịp thời.
Tình trạng viêm nhiễm có thể làm niêm mạc tử cung bị tổn thương sau này khó đậu thai, nếu có thai cũng dễ sảy thai. Ngoài ra tình trạng viêm nhiễm cũng làm tổn thương niêm mạc vòi tử cung, hẹp hay tắc hoàn toàn vòi tử cung, viêm dính vùng chậu… Đây chính là nguyên nhân khá phổ biến gây thai ngoài tử cung và vô sinh.
Hút thai nhiều lần có thể là nguyên nhân gây tổn thương hay mất lớp lớp niêm mạc tử cung, gây dính buồng tử cung, khiến người phụ nữ bị không thể có kinh, và gây vô sinh. Nếu lớp niêm mạc tử cung bị tổn thương nhiều thì việc làm tổ của trứng rất khó khăn ngay cả với các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm.
Chính vì những hậu quả nặng nề của việc hút thai chưa nhìn thấy ngay trước mắt như vậy nên các bạn gái nên hạn chế tối đa việc hút thai, nhất là đối với các bạn trẻ chưa có con. Các bạn trẻ chưa muốn có thai hay chưa lập gia đình nên chủ động áp dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục để phòng ngừa những thai kỳ ngoài ý muốn.
Ngoài thủ thuật hút thai còn có một phương pháp chấm dứt thai kỳ bằng thuốc uống gây sảy thai tự nhiên gọi là “ Phá thai nội khoa”. Mỗi nhóm tuổi thai sẽ có từng phác đồ uống thuốc phù hợp và cũng tùy thuộc từng điều kiện của cơ sở y tế tại địa phương mà bạn sinh sống.
Nếu bắt buộc phải chấm dứt thai kỳ không mong muốn các bạn nên đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản hoặc bệnh viện có chuyên khoa sản để được tư vấn và thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cũng như hạn chế tối đa những biến chứng về sau.
Trần Thị Quỳnh Uyên: Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa.
Nguồn: Bệnh viện phụ sản Mê Kông
Tài liệu Sản phụ khoa – ĐHYD Tp HCM