Người ta còn phân ra các gia đoạn trước mãn kinh (tiền mãn kinh) và sau mãn kinh (hậu mãn kinh). Các giai đoạn này thường kéo dài một đến hai năm. Nhưng có khi rất dài đói với giai đoạn tiền mãn kinh và cũng có khi rất ngắn chỉ một vài tháng, thậm chí không có biểu hiện lâm sang của tiền mãn kinh mà chuyển ngay sang thời kỳ mãn kinh.
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, người phụ nữ thường có những rối loạn về tâm lý và sinh lý, thường gặp nhất là rối loạn kinh nguyệt, vòng kinh có thể dài cũng có thể ngắn, lượng máu kinh có thể nhiều lên cũng có thể ít đi.
Giai đoạn hậu mãn kinh thường khoảng 2 năm. Trong giai đoạn này, nếu người phụ nữ không hành kinh lần nào nữa thì có thể coi là đã mãn kinh hẳn và người phụ nữ bước vào thời kỳ cao tuổi, tuổi già, chấm dứt cuộc đời hoạt động sinh sản.
Bước vào giai đoạn mãn kinh, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi lớn. Nguồn gốc của mọi thay đổi trong giai đoạn mãn kinh là do sự giảm đáp ứng của buồng trứng với các nội tiết tố hướng sinh dục dẫn đến những rối loạn trong sự trưởng thành noãn. Tắt kinh là dấu hiệu chính của mãn kinh. Ở một số phụ nữ, mãn kinh xảy ra êm đềm không gây ra những khó chịu, một số khác lại có những triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống trong nhiều năm.
- Khi mãn kinh, buồng trứng của người phụ nữ không sản xuất ra estrogen, điều này có thể gây ra những triệu chứng như bốc hỏa, mệt mỏi, khô âm đạo, mất ngủ… Sự thiếu hụt estrogen cũng liên quan đến một số bệnh nghiêm trọng như loãng xương, tim mạch, thoái hóa giác mạc, ung thư, giảm trí nhớ.
- Triệu chứng bốc hỏa kèm với đỏ bừng mặt và đổ mồ hôi là phản ứng của cơ thể do giảm estrgen. Thời gian bốc hỏa điển hình kéo dài khoảng 30 giây đến 5 phút, tim đập nhanh hơn và gia tăng nhiệt độ ngoại vi.
Âm hộ, âm đạo, tử cung đều có sự biến đổi do sự thiếu hụt nội tiết tố sinh dục. Âm đạo gồm có các lớp niêm mạc, cơ trơn (cơ vòng và cơ dọc), mạch máu và thần kinh. Niêm mạc âm đạo là biểu mô lát tầng không sừng hóa – rất nhạy cảm với estrogen. Trong lứa tuổi sinh đẻ niêm mạc âm đạo rất dày (trên 10 lớp tế bào), xếp nếp và đàn hồi. Dưới ảnh hưởng của estradiol, tầng tế bào trung gian và tế bào bề mặt chứa glycogen, những vi khuẩn thường trú trong âm đạo như trực khuẩn Dolerlein sẽ chuyển hóa glycogen thành acid lactic làm cho môi trường âm đạo có pH acid. Hơn nữa, âm đạo thường ẩm do có các dịch tiết của tử cung, cổ tử cung, tuyến skène, tuyến Bartholin. Sự tiết dịch này cũng phụ thuộc vào nội tiết tố sinh dục. Khi mãn kinh, lượng estrogen giảm sút làm cho lớp niêm mạc âm đạo trở nên mỏng, niêm mạc phẳng, mất tính đàn hồi, giảm tiết dịch khiến âm đạo khô, dễ bị viêm nhiễm tái đi tái lại. Khô teo âm đạo là một yếu tố góp phần làm giảm khoái cảm tình dục, giảm chất nhầy âm đạo dẫn đến cảm giác khó chịu, giao hợp đau.
So với âm đạo, thì âm hộ phản ứng chậm hơn khi thiếu estrogen, biểu hiện môi lớn và môi nhỏ mỏng đi, mất sắc tố, ít lồi ra, lỗ âm hộ nhỏ lại.
Sự thiếu hụt estrogen cũng gây nên những biến đổi ở tử cung. Cổ tử cung xóa đều, có hình tròn, nhợt nhạt khô và mất trơn láng. Lỗ ngoài có khuynh hướng teo lại. Niêm mạc dễ chảy máu khi đụng đến, bề dài giảm đi. Tử cung teo nhỏ. Niêm mạc tử cung teo lại và như mất đi.
Các triệu chứng tiết niệu bao gồm tiểu khó, tiểu gắt, tiểu buốt, nhiễm trùng đường tiểu và tiểu không tự chủ.
Ngoài ra, phụ nữ tuối mãn kinh còn đối mặt với các nguy cơ bệnh tật khác như loãng xương, tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư, bệnh Alzheime...
Để giảm các triệu chứng giai đoạn mãn kinh, có thể thực hiện một lối sống lành mạnh, rèn luyện thể lực bằng những phương pháp thể thao phù hợp với lứa tuổi như đi bộ, tập dưỡng sinh…
Ngoài ra, cần thực hiện một chế độ ăn uống phù hợp, một số thực phẩm tốt cho phụ nữ mãn kinh như sau:
Đậu nành, trong đậu nành có chứa phytoestrogen khi vào cơ thể sẽ chuyển thành chất tương tự estrogen. vì vậy, dùng đậu nành thường giảm các cơn bốc hỏa và các triệu chứng khác của mãn kinh, đồng thời giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Khi vào giai đoạn tiền mãn kinh, chị em còn bị các triệu chứng khó chịu đi kèm: khó ngủ, dễ bị mắc bệnh tim mạch, mất xương…một số loại rau củ giúp ngủ ngon như: rau nhút, bông sung, củ sen, bông thiên lý…
Ở giai đoạn mãn kinh, cần ăn nhạt hơn bình thường một chút, hạn chế các món ăn làm từ mỡ bò, mỡ heo, da gà, mỡ gà, da vịt, mỡ vịt. Nên thay thế mỡ bằng dầu ăn trong chế biến thức ăn. Nên ăn các loại tôm, cá nhỏ để có thêm canxi phòng loãng xương.
Việc sử dụng nội tiết thay thế có thể làm giảm các triệu chứng mãn kinh. Tuy nhiên cần được chỉ định của bác sĩ và có sự theo dõi sức khỏe định kỳ khi sử dụng nội tiết thay thế. Thực hiện lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý giúp phụ nữ có sức khỏe tốt hơn ở giai đoạn mãn kinh./.
Tài liệu tham khảo:
Bài giảng Sản phụ khoa tập 1 – Trường Đại học Y Hà Nội