Một người phụ nữ từ trước đang có kinh đều nay tự nhiên ngừng, không có kinh trong 12 tháng liên tiếp thì được gọi là mãn kinh.
Chu kỳ kinh nguyệt có biểu hiện rối loạn, dài ngắn thất thường, lúc ít lúc nhiều, rong kinh , rong huyết, cường kinh… xảy ra từ trước khi mãn kinh thực sự được gọi là thời kỳ “quanh mãn kinh” hay “tiền mãn kinh”.
Mãn kinh thường là tự nhiên nhưng cũng có thể do phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng vì bệnh lý hay do xạ trị.
Vào thời kỳ quanh mãn kinh và mãn kinh, cơ thể có nhiều thay đổi, do chưa kịp thích nghi với tình trạng nội tiết tố ( FSH, estrogen, progesterone) trong cơ thể dao động và tăng, giảm đột ngột nên gây nhiều triệu chứng rất khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống của người phụ nữ.
• Ảnh hưởng trên hệ thần kinh:
• Bốc hỏa, nóng bừng mặt-cổ, vã mồ hôi thường xảy ra ban đêm gây mất ngủ, suy nhược thần kinh
• Chóng mặt, đau nửa đầu, tim đập nhanh, hay hồi hộp, lo âu, dễ nóng giận và khó kìm chế, thiếu tập trung, trầm cảm
• Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy tình trạng rối loạn tri thức và mất trí nhớ (bệnh Alzheimer) ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh cao gấp 3 lần so với nam giới.
• Ảnh hưởng trên sự đàn hồi, nâng đỡ các cơ quan sinh dục (collagen):
• Da mỏng, nhăn, niêm mạc tiết niệu- sinh dục teo mỏng, dễ nhiễm trùng, tăng tỷ lệ sa tử cung và són tiểu, tiểu không tự chủ
• Giảm mật độ xương dẫn đến loãng xương
• Niêm mạc âm đạo teo mỏng, khô làm cho giao hợp đau rát
• Ảnh hưởng trên hệ xương khớp:
• Đau nhức cơ thể, mật độ xương giảm và loãng xương làm cho dễ gãy xương và chậm hồi phục.
• Ảnh hưởng trên tim mạch:
• Bệnh lý tim mạch mà điển hình là xơ vữa mạch máu, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ mãn kinh nhưng ít được quan tâm.
• Những yếu tố làm tăng nguy cở bệnh tim mạch như là béo phì, cholesterol trong máu cao, tăng huyết áp, đái tháo đường; thiếu hụt estrogen do mãn kinh…
• Một số ung thư thường gặp như ung thư cổ tử cung, ung thư niêm mạc tử cung, ung thư vú…
Có phương pháp nào giải quyết các vấn đề trên không ?
Thực ra điều trị nhằm mục đích giải quyết các triệu chứng khó chịu gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ.
Và trong giai đoạn này họ thực sự rất cần sự cảm thông chia xẻ từ phía gia đình, đồng nghiệp và xã hội.
Có rất nhiều biện pháp can thiệp giúp cho người phụ nữ có cuộc sống khỏe mạnh, vui tươi hơn như :
- Luyện tập thể dục mỗi ngày
- Có chế độ ăn, uống hợp lý
- Chế độ sinh hoạt, lao động phù hợp nhằm tránh nguy cơ gãy xương
- Không uống rượu, hút thuốc lá…vì làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư cổ tử cung…
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát các bệnh thường gặp như đái tháo đường, cao huyết áp, tăng cholesterone, ung thư cổ tử cung, ung thư vú…
- Sử dụng thuốc nội tiết là giải pháp quan trọng tuy nhiên phải do Bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Tại phòng khám mãn kinh của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Khánh Hòa, mỗi ngày tiếp nhận rất nhiều khách hàng, đến đây các chị được khám phụ khoa và tầm soát ung thư cổ tử cung; siêu âm kiểm tra tuyến vú hay được làm các xét nghiệm tổng quát khác… Cùng trao đổi với Bác sĩ các vấn đề rắc rối của cơ thể do rối loạn quanh mãn kinh và mãn kinh gây ra cũng như được hướng dẫn phương pháp điều trị cụ thể, từ đó giải tỏa những trăn trở, băn khoăn vì không hiểu tại sao mình lại “thay đổi một cách khó chịu” như vậy.
Ngoài ra trung tâm cũng đã thành lập hệ thống tư vấn qua điện thoại, chỉ cần bấm “1088” khách hàng sẽ được cán bộ y tế trực tiếp tư vấn các vấn đề về sức khỏe sinh sản.
Nguồn: Nội tiết sinh sản; Hướng dẫn quốc gia về CSSKSS; Phác đồ điều trị sản-phụ khoa BV Từ Dũ