* Vai trò của sắt đối với cơ thể con người
Sắt có vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu. Nếu cơ thể thiếu sắt sẽ gây nên tình trạng thiếu máu thiếu sắt hay còn gọi là thiếu máu dinh dưỡng. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng tương đối cao, theo số liệu của Viện Dinh dưỡng, năm 2000 toàn quốc có khoảng 51,2% trẻ em dưới 2 tuổi và 19% trẻ em từ 2 đến 5 tuổi thiếu máu dinh dưỡng.
Sắt có chức năng vận chuyển và lưu trữ oxy. Sắt trong các phân tử Hemoglobin (Hb) và myoglobin có thể gắn với oxy phân tử rồi chuyển chúng vào trong máu và dự trữ trong các bắp cơ của cơ thể. Hb có trong tế bào hồng cầu và làm hồng cầu có màu đỏ. Hồng cầu lên phổi sẽ nhả khí Cacbonic và nhận oxy rồi cung cấp oxy cho các mô tế bào cơ thể. Myoglobin chỉ có ở cơ vân (cơ thể con người có 3 loại cơ là cơ vân, cơ trơn và cơ tim nhưng hầu hết là cơ vân), Myoglobin có tác dụng như nơi dự trữ oxy cho các hoạt động, chúng sẽ kết hợp với các chất dinh dưỡng để giải phóng năng lượng cho co cơ.
Sắt còn tham gia vào một số protein, có vai trò trong việc giải phóng năng lượng trong quá trình oxy hoá các chất dinh dưỡng. Sắt cũng gắn với một số enzyme trong cơ thể cần cho hoạt động tế bào. Đặc biệt sắt có chức năng quan trọng đối với việc tạo ra tế bào hồng cầu. Qúa trình biệt hoá của hồng cầu từ tế bào non trong tuỷ xương đến hồng cầu trưởng thành đều cần có sắt. Khi hồng cầu chết, sắt và protein của hồng cầu sẽ được tái sử dụng để tạo hồng cầu mới.
* Nguyên nhân trẻ nhỏ thiếu máu dinh dưỡng
Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, trẻ không được bú mẹ có tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng rất cao, có thể vì một số lý do sau:
- Lượng sắt trong sữa mẹ cao hơn và dễ hấp thu hơn so với sữa bò gấp 5 lần. Vì vậy những trẻ không được bú mẹ mà dùng sữa bột thì sự hấp thu sắt sẽ khó hơn do đó dễ bị thiếu sắt hơn trẻ bú mẹ.
- Trẻ ăn dặm quá sớm (trước 6 tháng tuổi) sẽ mất nguồn sắt nhận từ sữa mẹ, đồng thời chất phytat có trong các loại ngũ cốc sẽ làm giảm hấp thu sắt.
- Trẻ ăn dặm quá muộn (sau 6 tháng tuổi) khi đó lượng sắt dự trữ đã hết, do vậy trẻ sẽ bị thiếu sắt nếu chỉ lấy từ nguồn sữa mẹ.
- Thức ăn của trẻ thiếu các thực phẩm giàu sắt như thịt, cá, rau xanh,...
- Trẻ sống trong điều kiện vệ sinh kém, dễ bị tiêu chảy, nhiễm các loại giun sán, đặc biệt là giun móc cũng sẽ gây thiếu máu dinh dưỡng.
- Trẻ bị mắc một số bệnh lý làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu và sử dụng sắt của cơ thể như suy dinh dưỡng, các bệnh nhiễm trùng kéo dài...
* Biểu hiện và tác hại của thiếu máu dinh dưỡng
Khi bị thiếu máu, khả năng vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể sẽ giảm, đặc biệt là tim, phổi, não, cơ bắp... gây ra những biểu hiện như: da xanh, chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi, giảm tập trung, tim đập nhanh, khó thở ... đồng thời, thiếu máu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực của trẻ, làm trẻ chậm lớn, chậm phát triển vận động, giảm sức đề kháng do đó trẻ thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng, nhưng ảnh hưởng lớn nhất của thiếu máu là chỉ số thông minh giảm, giảm khả năng tư duy, sáng tạo.
Mặc dù thiếu máu gây ra nhiều tác hại như vậy nhưng biểu hiện của thiếu máu dinh dưỡng thường rất nghèo nàn, lặng lẽ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào kết quả xét nghiệm Hemogloboin và Hematocrit máu. Tuy nhiên việc xét nghiệm máu không thể tiến hành rộng rãi, vì vậy phòng ngừa thiếu máu dinh dưỡng trong cộng đồng còn gặp khá nhiều khó khăn. Đa số những trường hợp trẻ bị thiếu máu dinh dưỡng đến khám phát hiện tại các cơ sở y tế đều ở giai đoạn muộn, khi đó đã có các biểu hiện lâm sàng rõ ràng hoặc trẻ thì đã rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng.
* Làm thế nào để phòng chống thiếu máu dinh dưỡng cho trẻ?
Nguyên nhân lớn nhất gây thiếu máu dinh dưỡng là do lượng sắt cung cấp từ bữa ăn hàng ngày thấp. Vì vậy để phòng ngừa thiếu máu dinh dưỡng cần cung cấp đủ sắt cho cơ thể bằng một số biện pháp sau:
Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau sinh là một trong những biện pháp phòng thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ nhỏ vì lượng sắt trong sữa mẹ rất dễ hấp thu. Khi trẻ đến giai đoạn ăn bổ sung, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm giàu sắt như gan, thịt, cá, trứng, đậu nành, đậu phụ, các loại rau xanh...
Ngoài ra chúng ta cũng cần chú ý các yếu tố làm tăng hấp thu sắt như các thực phẩm giàu vitamin C (bưởi, cam, quýt, chanh, táo,...) và các yếu tố làm giảm hấp thu sắt như trà, cacao, sữa, phô mai, yaourt...). Cần tạo một số thói quen ăn uống giúp tăng hấp thu sắt như đưa thêm rau quả, các loại nước trái cây giàu vitamin C vào bữa ăn, không nên uống trà, cà phê vào các bữa ăn vì sẽ làm giảm hấp thu sắt. Các loại thức ăn như sữa, yaourt, phômai rất giàu can xi nhưng lại làm giảm hấp thu sắt vì vậy nên ăn thành bữa riêng như bữa ăn sáng, bữa phụ, không nên dùng chung với bữa ăn chính.
Thực hiện vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân để phòng các bệnh nhiễm trùng, nhiễm giun sán,... cũng là một trong những biện pháp phòng ngừa thiếu máu dinh dưỡng hiệu quả. Nên xổ giun cho trẻ định kỳ 6 tháng 1 lần. Đồng thời đối với trẻ em, bổ sung viên sắt là rất cần thiết nhưng cần phải có chỉ định và theo dõi của thầy thuốc.
Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng không chỉ là công việc của riêng ngành y tế mà của toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia của mỗi gia đình và cộng đồng trong việc tuyên truyền giáo dục chế độ dinh dưỡng hợp lý và đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm những trường hợp thiếu máu dinh dưỡng để điều trị kịp thời nhằm giảm các tác hại do thiếu máu gây ra góp phần đạt được mục tiêu chung là ngày càng giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi.
BS. Tôn Thất Toàn