BÉO PHÌ VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG

24/09/2014 19:35        
Thừa cân béo phì là tình trạng cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ do hậu quả của sự mất cân bằng năng lượng, có nghĩa là năng lượng đưa vào cơ thể vượt quá năng lượng tiêu hao.

Như thế nào được gọi là béo phì?
Thể trạng của một người được gọi là cân đối, thừa cân, thiếu cân, gầy hay béo phì … được tính đo bằng chỉ số BMI:

TÍNH CHỈ SỐ BMI = Cân nặng (kg) / ( Chiều cao(m)* Chiều cao(m))
Trong đó:
Bảng đánh giá theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới(WHO) và dành riêng cho người châu Á ( IDI&WPRO):

Phân loại     WHO BMI (kg/m2) IDI & WPRO BMI (kg/m2)

Cân nặng thấp (gầy) <18.5                               <18.5
Bình thường 18.5 – 24.9                           18.5 – 22.9
Thừa cân         25                                 23                                
Tiền béo phì 25 – 29.9                         23 – 24.9
Béo phì độ I 30 – 34.9                         25 – 29.9
Béo phì độ II 35 – 39.9                                 30
Béo phì độ III 40                               40                                  

Dựa vào cách tính chỉ số BMI phía trên và bảng dữ liệu đánh giá chúng ta có thể dễ dàng biết được trẻ có bị mắc bệnh béo phì hay không.

Vì sao trẻ bị thừa cân béo phì?
Trẻ bị thừa cân béo phì là do chế độ ăn giàu năng lượng vượt quá nhu cầu nhất là năng lượng từ chất béo, tuy nhiên ăn nhiều chất đạm, bột đường cũng bị thừa cân béo phì vì các chất này khi vào cơ thể dư thừa đều có thể chuyển hóa thành chất béo dự trữ. Trong trường hợp trẻ ít hoạt động thể lực là yếu tố song hành, nguy cơ cao gây thừa cân béo phì. Trẻ thường dành thời gian cho hoạt động tĩnh tại như xem ti vi, đọc chuyện, chơi điện tử...mà ít luyện tập thể dục thể thao. Một số nghiên cứu cho thấy ở những trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, trẻ nhẹ cân hoặc cân nặng lúc sinh quá cao... lớn lên dễ bị thừa cân béo phì. Các nhà nghiên cứu khoa học cũng cho biết yếu tố di truyền về thừa cân béo phì thì chưa được chứng minh đầy đủ, tuy nhiên trong gia đình cha mẹ bị thừa cân béo phì thì con cái có nguy cơ bị thừa cân béo phì.Tóm tắt nguyên nhân trẻ béo phì
• Di truyền: nếu bố mẹ mắc bệnh béo phì thì con cái họ sẽ có khả năng mắc bệnh gấp 4 – 8 lần so với người bình thường.
• Sai lầm trong cách chăm sóc chế độ dinh dưỡng của trẻ: cho trẻ ăn quá nhiều chất béo, đồ ăn nhanh, nước soda, ăn quá nhiều thức ăn trong ngày khiến dư thừa calo, ăn vặt nhiều….
• Trẻ lười vận động, ham thích trò chơi điện tử, xem tivi.
• Do ảnh hưởng của tâm lí: những trẻ bị trầm cảm, stress, có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn các trẻ bình thường.
Trẻ bị thừa cân béo phì có ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Trẻ bị thừa cân béo phì sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Béo phì ở trẻ em là yếu tố nguy cơ béo phì ở người lớn. Những người lớn bị béo phì nặng thường có tiền sử béo phì ở tuổi thiếu niên. Béo phì ở trẻ em ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành. Vì ở người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp dẫn đến bệnh tai biến mạch máu não, tăng cholesterol dẫn đến nhồi máu cơ tim...và có nguy cơ mắc các bệnh lý khác như bệnh đái tháo đường, bệnh sỏi mật, cơ xương khớp, bệnh ung thư vú, tử cung, tiền liệt tuyến. Bên cạnh đó, trẻ béo phì thường vụng về, chậm chạp, hay bị bạn bè trêu chọc ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng học tập.Làm thế nào để giảm cân cho trẻ bị thừa cân béo phì?

Điều cần thiết là phải điều chỉnh chế độ ăn hợp lý. Nguyên tắc chính để điều trị thừa cân béo phì ở trẻ em là điều chỉnh chế độ ăn hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực. Nên hạn chế các loại bánh kẹo, đường, mật, sữa đặc có đường, sữa béo nhưng có thể uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Khi chế biến thức ăn nên làm các món hấp, luộc, hạn chế món quay, xào, rán. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt. Và cần có chế độ ăn điều độ, không ăn quá no, không được bỏ bữa, không để trẻ quá đói, ăn nhiều vào buổi sáng, không nên ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ. Đồng thời, các cha mẹ cần khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như chạy, bơi, nhảy dây, đi bộ...hạn chế xem tivi, chơi điện tử. Cần lưu ý, thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao, khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ và thời gian hoạt động của trẻ.Làm thế nào để dự phòng thừa cân béo phì?

Dự phòng thừa cân béo phì chủ yếu là dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực. Đối với trẻ dưới 3 tuổi cần chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ từ trong bào thai bằng cách chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ khi mang thai. Khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung cần có khẩu phần ăn hợp lý đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo và chất xơ, vitamin, khoáng chất). Đối với trẻ lớn và vị thành niên nên ăn uống hợp lý, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng để trẻ phát triển bình thường. Đồng thời khuyến khích trẻ ăn rau quả, hạn chế sử dụng thực phẩm giầu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng và đồ uống nhiều đường. Ở lứa tuổi này nên tăng cường vận động thể lực với các loại hình và mức độ thích hợp theo lứa tuổi như thể dục nhịp điệu, đi bộ, chạy nhảy, bơi lội...hạn chế xem vô tuyến, chơi điện tử và thức quá khuya. Ngoài ra, cần theo dõi tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng chiều cao nhằm phát hiện sớm thừa cân béo phì. Để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt của trẻ.
 
Sưu tầm: Tài liệu nguồn dinh dưỡng
Khoa CSSKTE - PCSDD

 

Liên kết