Sốt thường là dấu hiệu ban đầu báo hiệu trẻ đang bị bệnh hoặc gặp vấn đề nào đó về sức khỏe. Tuy nhiên, khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, sức đề kháng của cơ thể cũng nâng cao giúp tiêu diệt bớt các tác nhân gây bệnh
Sốt có nhiều triệu chứng như: ho, chảy mũi, đau họng và mức độ sốt không tỷ lệ thuận với độ nặng của bệnh. Rất nhiều các bậc cha mẹ thường rất lo lắng khi con trẻ bị sốt. Thực tế, sốt là phản ứng có lợi của hệ thống bảo vệ cơ thể với các tác nhân xâm nhập vào cơ thể, gọi là chất gây sốt. Sốt giúp cho cơ thể tiêu diệt tác nhân gây bệnh nhanh hơn và ức chế sự phát triển của tác nhân gây bệnh thường là virus và vi khuẩn.
Trẻ có thể bị sốt vì rất nhiều nguyên nhân như nhiễm siêu vi, nhiễm vi trùng, tiêm chủng, mọc răng, bệnh lý rối loạn miễn dịch…Khi trẻ bị sốt, phụ huynh cần theo dõi nhiệt độ trẻ thường xuyên, cho hạ nhiệt khi cần thiết để tạo cho trẻ có cảm giác dễ chịu. Paracetamol dạng uống và dạng đặt hậu môn thường được dùng cho trẻ sốt với liều lượng 10mg/kg/lần (4-6 tiếng/lần)
Chườm ấm bằng khăn mềm hoặc lau người trẻ bằng khăn ấm không nên quá 10 phút/ giờ. Chỉ áp dụng nếu trẻ bị sốt cao, sốt ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ.Không nên ủ ấm, mặc nhiều lớp quần áo khi trẻ đang sốt. Không nên dùng nước đá lạnh để lau mát hạ sốt.
Không nên pha rượu, cồn hoặc dấm vào nước để lau mát cho trẻ. Tuyệt đối không được sử dụng Aspirin để hạ sốt vì có thể gây tổn thương cho não.Trường hợp trẻ đã dùng thuốc hạ sốt, lau mát tích cực… mà vẫn không hạ nhiệt, cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ điều trị thích hợp hơn.
Phạm Huỳnh Thúy Ngân: Trung Tâm CSSKSS Khánh Hòa.
Theo nguồn: 24h.com