THA thai kỳ có ảnh hưởng như thế nào đến mẹ và con ?
Thai phụ có THA thể nhẹ thường chưa ảnh hưởng đến các cơ quan và thai nhi, cũng chưa cần điều trị nhưng phải được theo dõi liên tục để kịp thời phát hiện các dấu hiệu trở nặng.
Khi người mẹ có tình trạng THA nặng diễn tiến thành tiền sản giật hoặc sản giật sẽ có rất nhiều nguy cơ như: các biểu hiện ở thần kinh trung ương bao gồm co giật và đột quỵ; đông máu nội mạch lan tỏa và những biến chứng của nó có thể gây rối loạn đông máu; suy tim; suy thận; phù phổi; suy gan; làm tăng tỷ lệ mổ lấy thai; … nặng nhất là tử vong.
Nếu xảy ra sản giật thì bà mẹ có thể bị chấn thương do cắn lưỡi hoặc bị té…, thiếu oxy, sinh non.
Nguy cơ đối với thai nhi cũng rất nặng nề: thai chậm phát triển trong tử cung; thiếu ối; nhồi máu bánh nhau; nhau bong non; sinh non tháng; em bé bị chấn thương do mẹ sinh quá nhanh sau cơn sản giật; giảm tuần hoàn tử cung-nhau, suy thai; tử vong chu sinh…
Tiền sản giật có thường gặp không ? Phụ nữ nào có nguy cơ cao hơn ?
Khoảng 25% THA thai kỳ có tiền sản giật hoặc sản giật. Các yếu tố nguy cơ bao gồm con so, đa thai, mẹ mang thai quá sớm hoặc quá muộn (< 15 tuổi và > 35 tuổi), tiền căn bị THA hoặc tiền sản giật trong lần mang thai trước, THA mạn, tiền căn bị đái tháo đường, có bệnh về mạch máu và mô liên kết, bệnh cầu thận, hội chứng kháng phospholipid, béo phì ...
Nếu tiền sản giật xảy ra trong lần mang thai đầu tiên thì có khoảng 25% tái phát trong những lần mang thai tiếp theo. Người mang thai lần thứ hai trở lên bị tiền sản giật có tỷ lệ tái phát khoảng 50% trong những lần mang thai tiếp theo.
Bà mẹ cần phải làm gì khi phát hiện THA thai kỳ ?
Các bà mẹ có thể điều chỉnh chế độ ăn giảm muối, tăng chất đạm ( thịt, cá, hải sản), nhiều chất xơ ( rau, củ, trái cây) hoặc tăng cường canxi (sữa, tôm, cua, hải sản)…
Sử dụng thuốc hạ huyết áp, thuốc ngăn ngừa sản giật…theo chỉ định của Bác sĩ
Mục tiêu của quản lý THA trong thai kỳ nhằm cân bằng tình trạng huyết áp để mẹ không bị tai biến do huyết áp tăng quá cao và thai nhi không bị giảm tuần hoàn nhau-thai có thể dẫn đến suy thai khi điều trị hạ huyết áp.
Các bà mẹ cần được theo dõi thường xuyên huyết áp, cân nặng và protein niệu tại cơ sở y tế. Đối với thai nhi cần được theo dõi bằng siêu âm, non-stress test, khảo sát sinh trắc học ... Thường mỗi tháng một lần khi đi khám thai định kỳ hoặc ngắn hơn theo chỉ định của Bác sĩ.
Tùy theo mức độ THA và các triệu chứng đi kèm, thai phụ sẽ được tư vấn và điều trị thuốc hạ huyết áp, phòng ngừa sản giật và các biến chứng của tiền sản giật…Những trường hợp nặng đe dọa đến sức khoẻ và tính mạng của thai phụ, cần chấm dứt thai kỳ và phải được thực hiện ở những cơ sở y tế có điều kiện và có kinh nghiệm.
Bs. Trần Thị Quỳnh Uyên
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Nguồn: Sản phụ khoa - Những điều cần biết
Sản khoa - ĐH Y dược Tp HCM