Có ba chất được sử dụng trong xét nghiệm này là AFP, hCG và Estriol. Trong đó AFP (alpha-fetoprotein) là loại protein do thai sản xuất; hCG (human chorionic gonadotropin) là loại nội tiết do nhau sản xuất trong quá trình mang thai và Estriol là loại nội tiết estrogen được cả nhau và thai sản xuất.
Đây là loại xét nghiệm không xâm lấn và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.
Quy trình xét nghiệm bao gồm thu thập thông tin về thai phụ và thai nhi, lấy máu thai phụ và gửi mẫu đến phòng xét nghiệm. Kết quả thường có sau 7 - 10 ngày làm việc.
Khi nào thì có thể thực hiện xét nghiệm này?
Triple test có thể thực hiện khi thai 15 – 20 tuần. Tuy nhiên, kết quả chính xác nhất khi thai 16 – 18 tuần.
Tất cả phụ nữ mang thai đều nên được thực hiện xét nghiệm này. Đặc biệt các chị đang gặp những vấn đềụ sau đây rất cần được xét nghiệm:
• Trong gia đình có người bị dị tật bẩm sinh
• Phụ nữ > 35 tuổi đang mang thai
• Có sử dụng thuốc hoặc các chất có thể gây hại cho thai
• Đang bệnh tiểu đường đồng thời với mang thai và có sử dụng insulin
• Bị nhiễm virus trong thời kỳ mang thai
• Có tiếp xúc với phóng xạ liều lượng cao trước hoặc trong khi mang thai
Ý nghĩa của xét nghiệmTripletest là gì?
Xét nghiệm Triple test cho biết thai hiện tại có nguy cơ bị rối loạn di truyền nhiễm sắc thể như thế nào và có cần phải làm thêm xét nghiệm khác nữa hay không ?...
Nồng độ AFP tăng gợi ý thai có tăng nguy cơ bị dị tật ống thần kinh như cột sống chẻ đôi và vô sọ. Điều rất quan trọng khi làm xét nghiệm này cần phải xác định chính xác tuổi thai, bởi vì đa số các trường hợp AFP tăng là do xác định tuổi thai sai.
Nồng độ AFP giảm nếu kết hợp với nồng độ hCG và estriol giảm thì thai có tăng nguy cơ bị Hội chứng Down (Trisomy 21 hay tam thể 21), Hội chứng Ed-wards (Trisomy 18 hay tam thể 18) hoặc bất thường nhiễm sắc thể khác.
Tuy nhiên, để ước tính chính xác mức độ nguy cơ phải kết hợp kết quả xét nghiệm ba chất trên với nhiều yếu tố khác như tuổi của người mẹ, chủng tộc, cân nặng, chiều cao, tiền sử bản thân người mẹ như tiểu đường, hút thuốc, tình trạng thai như đơn thai hay song thai, tuổi thai vào thời điểm xét nghiệm, và tiền sử sản khoa.v.v…
Kết quả Triple test cho thấy thai có nguy cơ bị Trisomy 21 (Hội chứng Down)
là 1/28 tăng cao hơn nhiều so với nguy cơ tính theo tuổi mẹ là 1/204.
Trong trường hợp kết quả cho thấy thai hiện tại có nguy cơ cao bị một hoặc nhiều các rối loạn trên thì thai phụ sẽ được tư vấn bước tiếp theo là cần chẩn đoán xác định tình trạng bất thường của thai bằng thủ thuật xâm lấn như chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau.
Việc tầm soát và chẩn đoán sớm trước sinh giúp cho các cặp vợ chồng có thông tin tương đối chính xác về tình trạng thai nhi sau đó được bác sĩ tư vấn kỹ, cùng thảo luận để đưa ra các quyết định phù hợp như chuẩn bị cho các biện pháp điều trị (như phẫu thuật cột sống chẻ đôi), lên kế hoạch các chế độ chăm sóc đặc biệt cho bé sau sinh, chuẩn bị tâm lý và các vấn đề có thể ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình hoặc quyết định vấn đề có nên hay không nên tiếp tục mang thai cho đến khi đủ ngày.
Để có một thai kỳ an toàn, cùng chào đón đứa con khỏe mạnh xinh xắn ra đời, các chị nên khám thai thật đều. Đến mỗi giai đoạn của thai kỳ các chị sẽ được nhân viên y tế tư vấn hướng dẫn thực hiện đầy đủ các xét nghiệm liên quan, sau đó các bác sĩ sẽ tư vấn cẩn thận giúp các ông bố và bà mẹ tương lai hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của mỗi xét nghiệm đói với bản thân thai phụ và thai nhi.
Trung tâm chăm sóc sức khẻ sinh sản Khánh Hòa ngoài việc đầu tư chuyên môn chuyên sâu trong thăm khám lâm sàng, chúng tôi cũng đã triển khai và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết cho phụ nữ mang thai và cả khách hàng đến khám sức khỏe. trong đó các xét nghiệm tiền sản như siêu âm đo khoảng mờ sau gáy, siêu âm khảo sát dị tật thai nhi, xét nghiệm Double test, Triple test … rất được chú trọng. Tất cả nhằm đem lại dịch vụ ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn… cũng để đáp lại niềm tin bấy lâu nay của khách hàng dành cho chúng tôi.
BS. Trần Thị Quỳnh Uyên
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa