KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ MÀ PHỤ NỮ CẦN QUAN TÂM

11/05/2017 14:06        
1. Khám phụ khoa
Các chuyên gia phụ khoa đều khuyến cáo phụ nữ từ độ tuổi 18 trở lên nên đi khám phụ khoa ít nhất mỗi năm 2 lần. Việc thăm khám rất đơn giản, không gây đau và rất hiệu quả trong việc phát hiện các dấu hiệu viêm nhiễm hay tiền ung thư.
Đặc biệt, khi bạn cảm thấy ngứa, đau rát “vùng kín”, xuất hiện khí hư có màu và mùi bất thường, đau bụng, kinh nguyệt bất thường… cần đi khám phụ khoa ngay lập tức để được bác sỹ điều trị. Đó có thể là dấu hiệu của bệnh tình dục, viêm nhiễm phụ khoa, nấm âm đạo hoặc những bệnh nghiêm trọng hơn như viêm tắc vòi trứng, ung thư cổ tử cung…

2. Khám cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là một trong 5 bệnh ung thư phổ biến và gây tử vong cao nhất với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ Đông Nam Á. Đã có những bước tiến trong điều trị nhưng mới chỉ hiệu quả ở những bệnh nhân khởi phát giai đoạn đầu tiên. Do đó, việc đi khám nhằm phát hiện sớm những tai biến bất thường trong tử cung là rất quan trọng. Với những phụ nữ đã có quan hệ tình dục, 3 năm phải đi khám cổ tử cung 1 lần. Việc khám nghiệm rất an toàn, nhẹ nhàng và không hề ảnh hưởng gì đến sinh hoạt hằng ngày của bạn.

Ngoài ra, bạn cũng nên làm xét nghiệm virus HPV. Loại xét nghiệm virus này được dùng cho phụ nữ ngoài 30 để phát hiện bệnh lây qua đường tình dục có thể gây ung thư cổ tử cung. Nó được thực hiện trên cùng mẫu lấy để làm xét nghiệm cổ tử cung. Vì thế, bạn nên làm cả 2 bước này trong 1 lần thăm khám.

3. Kiểm tra tuyến vú
Theo hội chống ung thư Mỹ, gần 97% phụ nữ được chẩn đoán và phát hiện bệnh ung thư vú ở giai đoạn sớm có tỷ lệ sống 100% và không có dấu hiệu bệnh ung thư tái phát trong vòng ít nhất 5 năm. Chính vì thế bạn nên kiểm tra tuyến vú thường xuyên theo định kỳ. Chụp nhũ ảnh và khám ngực đều có thể giúp phát hiện các dấu hiệu của bệnh ung thư vú.
Trong thực tế, hầu hết các bác sĩ đề nghị bạn nên bắt đầu khám vú lâm sàng ở độ tuổi 20. Sau 30 tuổi, nên chụp nhũ ảnh hàng năm.

4. Xét nghiệm nước tiểu
Việc làm xét nghiệm lượng protein trong nước tiểu sẽ giúp phát hiện những vấn đề về thận, viêm đường tiết niệu hoặc máu. Kiểm tra trong thời điểm ngoài kinh nguyệt sẽ cho kết quả chính xác những căn bệnh như viêm thận, sỏi thận, viêm đường tiết niệu.
Lượng gluco trong nước tiểu sẽ thông báo cho bạn khả năng bị tiểu đường và một số bệnh viêm nhiễm khác.

5. Xét nghiệm máu
Bạn nên thường xuyên làm xét nghiệm máu để xác định mức độ cholesterol trong máu. Điều này đặc biệt trở nên quan trọng khi bạn bước vào độ tuổi 40.
Lý do bạn nên kiểm tra cholesterol và lượng đường trong máu là bởi kết quả có thể giúp bạn tránh xa các nguy cơ bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường thường tăng lên theo tuổi tác.

6. Kiểm tra mật độ xương
Phụ nữ dễ bị mất xương, loãng xương hơn nam giới, đặc biệt sau tuổi 30. Đây là lý do tại sao bạn cần kiểm tra mật độ xương ngay sau tuổi 30. Lặp lại kiểm tra 5 năm/lần là điều cần thiết bởi đa phần phụ nữ sẽ bị mất khoảng 30% khối lượng xương của mình trong vòng 5 năm từ thời kỳ mãn kinh.
Phụ nữ nhẹ cân có khối lượng xương thấp thì càng có nguy cơ cao. Nếu mật độ xương của bạn có vẻ thấp, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên làm thêm các xét nghiệm để đo tốc độ mất đi khối lượng xương.
Nếu bạn được chẩn đoán loãng xương, hãy đi khám bác sĩ sẽ để kê toa thuốc cùng với các khuyến nghị về chế độ ăn uống.

Huỳnh Thị Lệ Xuân: Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Nguồn sưu tầm http://hanhphucgiadinh.vn

 

Liên kết