BIỆN PHÁP DỰ PHÒNG UNG THƯ CỔ TỬ CUNG
Ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 sau ung thư vú. Trên thế giới người ta ước tính rằng cứ 2 phút thì có 1 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nhiễm HPV (Human Papilloma virus) là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung, hơn 90% ung thư cổ tử cung có HPV dương tính.
Ung thư cổ tử cung là bệnh nguy hiểm nhưng có thể làm giảm tử vong, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội nếu được phát hiện và điều trị sớm. Dấu hiệu lâm sàng có thể chỉ thấy ra khí hư đơn thuần hoặc lẫn máu ở âm đạo, đặc biệt ra dịch rất hôi ở bệnh nhân có tổn thương hoại tử nhiều. Đa số các trường hợp bệnh nhân xuất hiện ra máu âm đạo tự nhiên ngoài chu kỳ kinh hoặc sau quan hệ tình dục.
Đối với giai đoạn sớm của bệnh như tổn thương loạn sản hoặc ung thư tại chỗ thường không thấy dấu hiệu gì hoặc chỉ phát hiện vết loét nông khi soi cổ tử cung. Dấu hiệu đau tiểu khung, bất thường của hệ tiết niệu và trực tràng thường xuất hiện ở giai đoạn tiến triển và giai đoạn muộn.
Hành động sớm nhất đó chính là tiêm vaccin HPV để cơ thể chống lại và giảm sự nhiễm HPV liên tục cũng như giảm các tổn thương loạn sản;
Trước khi tiêm vacxin HPV bạn không cần phải làm bất cứ xét nghiệm nào, chỉ cần đảm bảo các điều kiện sau đây:
- Độ tuổi theo khuyến cáo của nhà sản xuất (hiện tại là 9 – 26 tuổi)
- Không đang mang thai
- Không dị ứng với các thành phần nào có trong vaccin
- Không đang điều trị các bệnh lý cấp tính
- Nên khám tổng quát để sàng lọc các bệnh lý gây ảnh hưởng đến quá trình tiêm và hấp thu vaccin
Hành động tiếp theo là tránh hoặc hạn chế tối đa tiếp cận các yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung như: lập gia đình sớm, có con sớm, quan hệ tình dục với nhiều người, sinh nhiều con, vệ sinh không đúng cách, viêm cổ tử cung mạn tính, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, điều kiện dinh dưỡng, kinh tế xã hội thấp, hút thuốc lá, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV).
Tổn thương cổ tử cung lành tính thường do nhiễm trùng, do sinh đẻ nhiều hoặc nạo phá thai… gây ra. Vì vậy phụ nữ và trẻ em gái cần chú ý thực hành đúng các biện pháp vệ sinh lúc hành kinh, vệ sinh cơ thể hoặc khi quan hệ tình dục. Không thụt rửa, không ngâm bộ phận sinh dục trong nước; quan hệ tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp tránh thai đúng để ngăn ngừa có thai ngoài ý muốn; không dùng các thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của Bác sĩ.
Sàng lọc phát hiện các tổn thương tiền ung thư và xử trí phù hợp. Bởi vì tiêm vaccin HPV cũng không thể ngăn ngừa 100% và không thay thế cho biện pháp sàng lọc tổn thương cổ tử cung cũng như các cảnh báo về việc phơi nhiễm HPV.
Các viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục, các tổn thương lành tính cổ tử cung dễ phát hiện khi thăm khám, điều trị đơn giản và có hiệu quả do vậy các chị em nên khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 – 12 tháng một lần hoặc ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ. Nhằm phát hiện sớm các vấn đề bất thường để được chẩn đoán và khi có tổn thương ở cổ tử cung dù là lành tính cũng nên điều trị dứt điểm, không để xảy ra các tái tạo bất thường.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế Khánh Hòa, tháng 8/2022 Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tổ chức các lớp tập huấn “Nâng cao năng lực cho cán bộ trạm y tế xã trong việc sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung tại cộng đồng” cho 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Với mong muốn người dân nhất là phụ nữ và trẻ em gái có thể tiếp cận được một cách dễ dàng và cơ bản nhất với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản với bề dày hoạt động hơn 20 năm, luôn giữ vững thương hiệu, là cơ sở y tế uy tín, chất lượng cao với trang thiết bị hiện đại như máy soi cổ tử cung, máy siêu âm 4D, siêu âm đầu dò âm đạo, hệ thống máy miễn dịch, máy nhũ ảnh, lọc rửa - xét nghiệm tinh trùng. Đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm, nhiệt huyết và năng động, thường xuyên học tập - cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân: khám điều trị các viêm nhiễm, sàng lọc phát hiện các tổn thương tiền ung thư, ung thư ở cổ tử cung- vú- tuyến giáp…; điều trị tổn thương cổ tử cung, nhú sùi, polyp cổ tử cung… bằng phương pháp áp lạnh, đốt điện… được khách hàng tin tưởng, yêu mến.
Trung tâm luôn phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật và Bệnh viện đa khoa tỉnh thực hiện công tác chỉ đạo tuyến cơ sở trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó định kỳ mỗi năm hoặc nhân các dịp lễ lớn chúng tôi tổ chức tuyên truyền - tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn tiền hôn nhân…tại các trường học; ký kết với nhiều đơn vị để tổ chức tuyên truyền hoặc khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên nữ trong đó chú trọng sàng lọc các loại ung thư (vú, tuyến giáp, cổ tử cung), phát hiện các các khối u, bệnh lý phụ khoa và điều trị có hiệu quả cao.
- Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, Ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QQĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Tài liệu bổ sung Hướng dẫn hoạt động dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng thuộc Đề án 818 đến năm 2030”. Ban hành kèm Theo Quyết định số 2402/QĐ-BYT ngày 16/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Tài liệu bổ sung Hướng dẫn dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung tại cộng đồng thuộc Đề án 818 đến năm 2030”. Ban hành kèm Theo Quyết định số 1639/QĐ-BYT ngày 19/3/ 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
-Nguồn: TTCSSKSS-