NHỮNG VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP SAU SINH VÀ CÁCH TỰ ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ.

14/08/2017 14:45        
Nếu có chỉ định đặc biệt của bác sỹ, bạn hãy nghe theo, nhưng nếu vấn đề của bạn chưa quá nghiêm trọng thì hãy làm theo những chỉ dẫn dưới đây để kịp thời hồi phục nhé:

*  Cảm giác mệt mỏi, đuối sức
Hầu hết phụ nữ đều cảm thấy mệt sau thời gian chuyển dạ và sinh nở. Việc chăm sóc con, thiếu ngủ, cùng những thay đổi thể chất càng làm tăng cảm giác mệt mỏi, vậy nên trong 6 tuần đầu tiên, việc tập trung vào hồi phục sức khỏe bản thân và chăm sóc cho con nhỏ là rất quan trọng. Hãy bắt đầu các hoạt động khác một cách từ từ khi bạn đã cảm thấy khỏe mạnh hơn.

*  Bạn có thể làm theo một số cách đơn giản dưới đây để giảm mệt mỏi:
Ăn uống điều độ, không bỏ bữa, chia nhỏ bữa ăn và ăn làm nhiều bữa trong ngày;
Chọn lựa thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe;
Tập luyện, vận động đều đặn, hãy ra ngoài đi dạo hoặc giúp khí huyết lưu thông bằng cách thực hiện các bài tập yêu thích. Nếu bạn không thường vận động thì đừng cố gắng quá sức. Và nếu bạn có bất kỳ vấn đề gì đặc biệt trong quá trình mang thai, chuyển dạ hoặc sinh nở thì cần thận trọng tuân theo chỉ dẫn của bác sỹ;
Cố gắng nghỉ ngơi nhiều lần trong ngày;
Hãy chỉ làm những việc bạn cần làm, không nhận thêm những trách nhiệm không thật sự cần thiết;
Dành thời gian với gia đình và bạn bè, để họ giúp đỡ bạn.

*  Những vấn đề với giấc ngủ
Rất khó để có thể ngủ cho ngon, cho đã khi bạn đang chăm sóc cho một đứa trẻ, nên hãy theo những mẹo dưới đây để được nghỉ ngơi tốt nhất:
Tranh thủ chợp mắt theo khi con ngủ, dù cho đó chỉ là những giấc ngắn;
Chỉ dùng giường ngủ của mình cho đúng mục đích: ngủ;
Hãy cố gắng thiết lập thời gian biểu đều đặn cho việc cho con bú, nếu bạn cho con bú bình thì hãy để những người khác thay phiên để bạn có thể nghỉ ngơi;
Giới hạn lượng caffeine tiếp nhận vào cơ thể từ cà phê, trà, nước ngọt, sô-cô-la…
Thử áp dụng các biện pháp thư giãn, chẳng hạn như thiền, yoga…

* Cảm giác đau, khó chịu
Hầu hết phụ nữ đều bị những cảm giác khó chịu, từ nhẹ đến nặng hơn sau khi sinh – có thể là cảm giác t.ử c.u.n.g co thắt khi đang trở về với kích thước ban đầu; nếu bạn sinh thường rạch tầng sinh môn thì có thể bị đau ở vùng sinh dục, nếu bạn sinh mổ thì bị đau ở vết mổ.

Tin mừng là kể cả đang cho con bú thì bạn vẫn có những loại thuốc an toàn có thể sử dụng để làm giảm những cảm giác khó chịu này, chẳng hạn như acetaminophen. Thông thường, người mẹ trẻ có thể dùng 650mg mỗi 4 giờ hoặc 1.000mg mỗi 6 giờ, không dùng quá liều 4.000mg/24 giờ. Bất kể là loại thuốc nào đi nữa thì sự an toàn cũng chỉ được đảm bảo khi bạn tuân theo đúng những hướng dẫn sử dụng của thuốc, liều lượng thuốc, những chỉ dẫn của bác sỹ.

Cảm giác tức ngực hoặc viêm tuyến vú
Trong thời gian cho con bú, ngực bạn có thể bị tức, đau do sữa về nhiều. Hãy chườm lạnh để giảm đau và sưng, lưu ý rằng cần để một lớp vải đệm giữa túi đá và da bạn chứ không áp trực tiếp. Tắm nước ấm, ấp khăn ấm cũng được cho là cách giảm đau, hoặc bạn cũng có thể dùng acetaminophen, chẳng hạn như Tylenol.

Viêm tuyến vú là tình trạng nhiễm trùng phổ biến nhất liên quan đến việc cho bú, thường chỉ tác động đến một bên vú, bắt đầu bằng cảm giác nóng, đỏ. Sốt, ớn lạnh và các triệu chứng như cảm cúm, cơ thể đau nhức cũng có thể xuất hiện. Bạn có thể bị viêm vào bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian cho bú, nhưng thường xuất hiện nhất trong vòng 2 th.á.n.g đầu sau sinh, trước khi “lịch bú” của con trở nên đều đặn.

Mẹ không cho con bú cũng có thể bị tình trạng này, khi đó cũng hãy tránh kích thích bầu ngực và núm vú của mình, chỉ chườm lạnh, dùng thuốc làm dịu cơn đau và nhiễm trùng, và mặc áo ngực vừa vặn.

* Trĩ và táo bón
Trĩ và táo bón có thể làm phiền bạn cả trong thời gian mang thai lẫn sau đó, để phòng tránh, bạn hãy:
Ăn nhiều chất xơ từ rau, trái cây, ngũ cốc nguyên cám;
Uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc và nước trái cây;
Thử dùng Colace để làm cho phân mềm hơn;
Đừng cố gắng rặn quá sức;
Vận động nhiều hơn mỗi ngày.
Nếu trong quá trình sinh bạn bị rách ở vùng sinh dục thì hãy trao đổi với bác sỹ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nhét chữa táo bón không kê đơn nào.

*  Để giảm cảm giác ngứa ngáy, đau đớn do trĩ:
Sau mỗi lần đi vệ sinh, hãy lau cẩn thận và sạch sẽ từ trước ra sau. Hãy chọn loại giấy mềm, không nhuộm màu, không mùi, nếu không thì có thể dùng khăn ướt hoặc gạc chuyên dùng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn là dùng giấy vệ sinh bình thường;
Ngâm nước ấm cũng có thể làm dịu cảm giác khó chịu, bạn có thể pha thêm baking soda để dịu cảm giác ngứa;
Chườm lạnh;
Không ngồi lâu, đặc biệt trên ghế cứng.
Cho bác sỹ biết nếu bạn bị táo bón hoặc trĩ để được giúp đỡ.

* Giảm cân
Giảm cân sau sinh là việc mà rất nhiều phụ nữ quan tâm. Thường thì cần khoảng 6-8 tuần để bạn trở lại được với những hoạt động như bình thường trước đây; các chuyên gia khuyên bạn hãy chỉ bắt đầu cố gắng giảm cân sau khoảng thời gian này, và nếu bạn đang cho con bú thì dù áp dụng biện pháp nào thì cũng hãy nhớ bảo đảm tiếp nhận đủ calories và dinh dưỡng cho con.

Hãy ăn chế độ ăn nhiều dinh dưỡng và tập luyện mỗi ngày, đó là cách mà nhiều phụ nữ đã kiểm soát được cân nặng của mình một cách an toàn và hợp lý. Nếu việc giảm cân là quá khó thì hãy trao đổi với bác sỹ về mục tiêu của mình để được giúp đỡ về phương pháp.


Nguyễn Thị Lý Oanh: Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa.
Sưu tầm theo kiến thức Y Khoa.

 

Liên kết