Thông tin trên được đưa ra tại buổi đối thoại chính sách và pháp luật về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên diễn ra tại Hà Nội ngày 24/9. Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, tỷ lệ sinh con ở độ tuổi vị thành niên của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước khu vực châu Á. Con số này cũng cao hơn ở nhóm dân số có trình độ thấp, nhóm dân cư sinh sống tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Sinh con ở độ tuổi 15-19 có thể có những rủi ro như: sinh non, sinh nhẹ cân, thai lưu và chết sơ sinh cao hơn. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này cũng có nguy cơ tử vong cao hơn so với các bà mẹ trên 20 tuổi. Ngoài ra, nguy cơ tử vong do thai sản đối với các bà mẹ trong nhóm này cũng cao. Cả 3 trẻ sơ sinh tử vong mới đây tại Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn (Quảng Nam) trong cùng một ca trực đều được sinh từ các bà mẹ chỉ 17 tuổi. Cơ quan chức năng xác định 3 bé tử vong là do bệnh lý.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng trên là vấn đề tảo hôn và quan hệ tình dục trước hôn nhân. Điều tra quốc gia vị thành niên và thanh niên lần thứ 2 mới đây cho thấy khoảng 44% thanh niên và vị thành niên trong độ tuổi 14-25 chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân, trong khi nhóm tuổi này còn thiếu thông tin và kỹ năng sống liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Nhu cầu tránh thai chưa đáp ứng được cao nhất trong lứa tuổi vị thành niên 15-19.
Tại Việt Nam, thanh niên từ 10 đến 30 tuổi chiếm khoảng 40% dân số. Thế nhưng những chương trình sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình dành cho nhóm này hầu như rất ít. Điều này khiến họ dễ bị tổn thương, dễ bị mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV, bị lạm dụng tình dục và bạo lực giới. Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi này - chiếm khoảng 20% tổng số ca phá thai.
Ông Mai Xuân Phương, Phó vụ trưởng Truyền thông Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ: "Tôi từng đi đến nhiều khu chế xuất tại Bình Dương, Đồng Nai…, những điểm nóng về sức khỏe sinh sản. Có những bào thai vứt ngay trong nhà vệ sinh, thùng rác, những thanh niên công nhân làm mẹ đơn thân".
Để không xảy ra những sự việc như vậy, ông Phương cho rằng cần triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như: cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai, dịch vụ tư vấn, nhân rộng mô hình thí điểm chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh niên, vị thành niên cả trong và ngoài trường học.
Bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Sức khỏe, Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), cho rằng cần cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho trẻ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, các em cũng cần thay đổi quan niệm về địa điểm tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, bất kể là cơ sở công hay tư thì đều phải tuân thủ theo quy định.
Nguyễn Thảo Miên
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Nguồn: Báo VNEXPREXX