BS CKII. Trần Thị Quỳnh Uyên
Theo các chuyên gia nghiên cứu cho thấy tuổi trung niên thường dao động trong khoảng 40 – 65 tuổi. Tuổi trung niên giữa nam và nữ về bản chất hầu như không khác nhưng nếu xét theo khía cạnh tâm lý và sinh lý thì tuổi trung niên của phụ nữ thường sẽ đến sớm hơn đàn ông.
Mật độ xương ở tuổi trung niên giảm nhanh, nguy cơ loãng xương cao, xương giòn, dễ gãy và thời gian phục hồi rất lâu. Đến độ tuổi này sẽ thường tăng cân gây rối loạn chuyển hóa mỡ và tăng nguy cơ bị các bệnh như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, huyết khối tĩnh mạch…; da khô, tăng sắc tố; tóc mỏng và thưa dần; Âm đạo khô, teo, tiểu lắt nhắt hoặc són tiểu, dễ viêm âm đạo hoặc viêm tiết niệu do thiếu nội tiết; Tỷ lệ ung thư tử cung, cổ tử cung, buồng trứng, ung thư vú, ung thư tuyến giáp…ở phụ nữ tuổi trung niên cao hơn tuổi trẻ; Ngoài ra, đa số phụ nữ sẽ trải qua thời kì mãn kinh nên có thể bị mất ngủ, bốc hỏa, giảm trí nhớ, giảm ham muốn tình dục, thậm chí là cáu gắt hoặc lo sợ vu vơ…Nhu cầu về tình dục ở độ tuổi trung niên cũng có sự thay đổi đáng kể so với thời trẻ. Chính vì vậy, chúng ta cần thường xuyên thăm khám, tư vấn với chuyên gia sản phụ khoa và có phương pháp chăm sóc sức khoẻ cẩn thận.
Ở độ tuổi nào cũng vậy, tập cho mình những thói quen tốt luôn là một điều đặc biệt quan trọng, với tuổi trung niên thì điều ấy lại cần thiết hơn bao giờ hết. Các bạn cần chú ý dành thời gian chăm sóc bản thân nhiều hơn và thư giãn cơ thể cũng như trí óc. Ở bất kỳ lứa tuổi nào các bạn đều có thể tạo ra giá trị cho xã hội bằng nhiều cách khác nhau do vậy nên chủ động tham gia các hoạt động dành cho tuổi trung niên, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa tạo một môi trường mới để vui chơi vừa mang đến cho xã hội nhiều cống hiến tích cực.
Một số việc mà bạn có thể làm để cải thiện tình trạng sức khoẻ của mình như:
- Duy trì chế độ ăn uống phù hợp, ăn nhiều hoa quả, rau xanh, bổ sung các chất như can-xi, vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Giảm chất béo, muối, đường, cố gắng bỏ những thói quen gây hại cho cơ thể như uống cà phê, gia vị cay nóng, bia rượu, thuốc lá…
- Vận động cơ thể điều độ, tập thể dục mỗi ngày ít nhất 30 phút, duy trì ít nhất 5 ngày một tuần như: yoga, dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu, khiêu vũ, đi bộ, bơi lội. Các phương pháp thư giãn như thiền, xoa bóp, châm cứu, các bài tập thở…sẽ giúp tăng lưu lượng máu cho cơ thể, giảm các triệu chứng của thời kỳ quanh mãn kinh, giảm trầm cảm, cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Ngủ đủ giấc 6 – 9 tiếng/ngày để cơ thể luôn cảm thấy thoải mái, minh mẫn.
![](/Portals/0/20210927_131358_610701_cham-soc-suc-khoe-p_max-1800x1800.jpg)
- Khám sức khỏe định kỳ 6 – 12 tháng/ lần hoặc theo lịch hẹn của Bác sĩ. Tầm soát các bệnh lý mà mình có nguy cơ mắc phải mặc dù hiện tại chưa thấy có biểu hiện gì.
- Các chuyên gia khuyên phụ nữ trung niên ≥ 40 tuổi, phụ nữ mãn kinh < 10 năm hoặc có triệu chứng mãn kinh nhưng < 60 tuổi thì nên có biện pháp can thiệp dự phòng hoặc điều trị. Vì can thiệp sớm quanh thời điểm này hiệu quả sẽ đạt tối đa.
Bạn có thể đến Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Khánh Hòa để được bác sĩ kiểm tra định kỳ, hướng dẫn điều trị, tư vấn cách chăm sóc cơ thể nhằm giúp bạn theo dõi tình trạng sức khỏe của mình.
Địa chỉ liên hệ:36 Yết Kiêu, phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Nguồn: - Cập nhật kiến thức về Quản lý sức khỏe tuổi mãn kinh theo các Hướng dẫn lâm sàng Quốc tế - NXB Tổng hợp TP HCM.
- Đại cương Sức khỏe tình dục – NXB Y học.