Tuyên truyền công tác về Phòng cháy chữa cháy

27/06/2024 14:20        

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu dân cư, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhanh chóng được hình thành và phát triển dẫn đến nguy cơ về cháy, nổ xảy ra cao. Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhưng vẫn còn một số đơn vị, cá nhân còn chủ quan chưa thực sự chú trọng công tác PCCC, dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ không được kiểm soát kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng
Có thể nói, trong bối cảnh đất nước không ngừng xây dựng và phát triển thì công tác PCCC càng chiếm giữ một vai trò quan trọng. Ít có loại tai nạn nào mà cùng lúc có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản như trong các vụ hỏa hoạn. Tại các đô thị, sự xuất hiện ngày càng nhiều các công trình nhà cao tầng, công trình ngầm, các trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các trạm xăng, dầu trong nội đô… nguy cơ cháy, nổ là rất lớn và hậu quả khôn lường. Trong khi đó nguyên nhân dẫn đến cháy, ban đầu chỉ bắt nguồn từ một đốm lửa nhỏ, một sự cố chập điện bình thường hoặc từ những bất cẩn của con người… không được phát hiện, xử lý kịp thời dẫn đến bùng phát thành đám cháy dữ dội.
Việc đảm bảo các trang thiết bị, điều kiện nhân lực, vật lực về an toàn PCCC tại các công sở, cơ quan, đơn vị, khu dân cư một số nơi chỉ làm chiếu lệ, qua loa, mang tính đối phó. Không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều khi chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà quên đi biện pháp bảo vệ an toàn cho tính mạng người lao động và tài sản của mình.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn PCCC là việc phải được làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở các địa phương. Ở các đô thị lớn, đông dân cư thì cháy rất dễ trở thành thảm họa, việc phòng cháy vì thế cần phải trở thành một nguyên tắc sống, ăn sâu bám rễ vào ý thức của từng người dân.
Ngày 04/10/1961, Bác Hồ đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC. Đây là một trong những Pháp lệnh được ban hành sớm nhất của Nhà nước ta đã nói lên tầm quan trọng của công tác PCCC. Từ đó đã làm dấy lên các phong trào PCCC mà kết quả đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và của xã hội.
Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Quốc hội khóa X đã thông qua Luật phòng cháy và chữa cháy và có hiệu lực thi hành từ ngày 4/10/2001, trong đó quy định rất rõ phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Luật PCCC cũng đã quy định lấy ngày 04/10 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống cháy, nổ nhưng vẫn còn một số đơn vị, cá nhân chủ quan chưa thực sự chú trọng công tác PCCC, dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ không được khống chế kịp thời gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, ANTT của địa phương.
          Để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đặc biệt trong mùa nắng nóng đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình và toàn thể bà con nhân dân thực hiện tốt các giải pháp sau:
           I. Tại nơi ở
           Chủ hộ và các thành viên trong mỗi gia đình cần thực hiện:
           1. Để đồ dùng, hàng hóa và các vật liệu khác có khả năng cháy được phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác.
          2. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, kịp thời phát hiện và khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến chạm chập, ngắt mạch điện. Lắp đặt các thiết bị cầu dao, aptomat,….cho hệ thống điện; không sạc điện thoại, máy tính, xe điện qua đêm, sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.
           3. Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi thờ cúng, không để các đồ vật dễ cháy như hương, đèn, nến, vàng mã sát nơi đốt hương, đèn, nến; khi thắp hương, đèn, nến, đốt vàng mã phải có người trông coi.
          4. Thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng trong gia đình gọn gàng, ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn. Không dự trữ xăng, dầu, cồn trong nhà khi không cần thiết.
          5. Dự kiến và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cách xử lý đám cháy mới phát sinh, các tình huống thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Mỗi gia đình nên trang bị ít nhất một bình chữa cháy xách tay, một dụng cụ phá dỡ thô sơ để kịp thời xử lý tình huống nếu xảy ra sự cố; cài đặt App “Báo cháy 114” trên điện thoại thông minh để được trang bị, cập nhật những kiến thức PCCC và kịp thời gọi báo cháy, cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết.
           II. Đối với nơi làm việc, nơi sản xuất kinh doanh
          1. Trước khi tiến hành và sau khi hoàn thành công việc và rời khỏi nơi làm việc phải thực hiện kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy, nếu phát hiện có dấu hiệu mất an toàn về phòng cháy và chữa cháy phải tìm mọi cách để khắc phục.
          2. Không đốt hương, đèn để cúng và đun nấu trong khu vực sản xuất, văn phòng làm việc; không để vật tư, hàng hóa, phương tiện cản trở lối đi, lối thoát nạn.
          3. Không tàng trữ các chất nguy hiểm cháy như xăng, dầu, gas tại nơi làm việc và trong khu vực kinh doanh. Những nơi trong quá trình sản xuất, kinh doanh có liên quan đến các chất dễ cháy phải tuân thủ các quy định về sử dụng, bảo quản các chất dễ cháy đó.
          4. Các hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa đường dây dẫn điện, chấn lưu đèn neon, bảng điện khoảng cách tối thiểu là 0,5m. Không dùng bàn là, bếp điện, bóng đèn sợi đốt để sấy khô hàng hóa (trừ các thiết bị chuyên dùng); khi sử dụng quạt di động hoặc quạt cố định ở khu vực có nhiều vật tư, hàng hóa phải có lồng bảo hiểm.
          5. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện; khi nghỉ việc phải tắt các nguồn điện, nguồn nhiệt đồng thời kiểm tra các yếu tố khác có thể phát sinh cháy, nổ.
          6. Lắp đặt Camera, hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy định.
          III. Đối với khu dân cư
          1. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy, nổ cũng như ý thức trách nhiệm vì cộng đồng trong hoạt động PCCC. Xây dựng các nội quy, quy định, các mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC”, “Khu tự quản đảm bảo an ninh trật tự và PCCC”, “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”, quy định chế độ kiểm tra và nhắc nhở lẫn nhau giữa các gia đình trong cụm, tạo nên phong trào hoạt động PCCC có hiệu quả ở khu dân cư.
          2. Kiểm tra chặt chẽ và yêu cầu các hộ gia đình, đặc biệt là hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy xen lẫn trong khu dân cư cam kết thực hiện nghiêm các quy định về PCCC. Thường xuyên tổ chức lực lượng tại chổ tuần tra canh gác ban đêm để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp cháy, nổ, không để xảy ra cháy lớn và bị động.
          3. Xây dựng mới hoặc bổ sung phương án chữa cháy khu dân cư. Phương án chữa cháy cần được tổ chức nghiên cứu, thực tập với các tình huống sát thực tế nhằm chủ động đối phó với các vụ cháy xảy ra trên địa bàn. Trong phương án cần tính đến khả năng phải phá dỡ những hạng mục, công trình, nhà cửa để ngăn chặn cháy lan.
          4. Vận động các hộ gia đình tự giác tháo dỡ các bộ phận cơi nới, lều lán, mái vảy bằng các vật liệu dễ cháy sát nhau hoặc thay thế bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy, trước hết làm theo từng dãy tạo thành khoảng cách để ngăn cháy lan. Đồng thời tiến hành tháo dỡ các vật cản trên các đường, ngõ để tạo điều kiện cho việc chữa cháy, cứu người, cứu tài sản. Vận động các hộ gia đình dự trữ nước sinh hoạt kết hợp để chữa cháy. Nơi nào có điều kiện thì tổ chức xây bể nước chữa cháy cho từng cụm hoặc cho cả khu dân cư.
          5. Vận động mỗi hộ gia đình nên trang bị một số phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay, xô, thùng xách nước, phương tiện cứu nạn, cứu hộ (mặt nạ lọc độc, dây tự cứu, thang dây, dụng cụ phá dỡ thô sơ…); hệ thống hoặc thiết bị báo cháy cục bộ, hệ thống chữa cháy bằng nước… phù hợp với quy mô tính chất, đặc điểm của nhà. Trường hợp nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh thì các khu vực sản xuất, kinh doanh phải trang bị phương tiện PCCC, CNCH theo quy định của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của nhà.
          IV. Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra hãy:
          - Bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài qua lối thoát nạn an toàn, sử dụng các phương tiện để chữa cháy, đồng thời báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại 114.
          - Trong quá trình di chuyển qua đám cháy nên dùng khăn thấm ướt che kín miệng, mũi và cúi thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến nơi an toàn.
          - Trường hợp cửa chính bị lửa bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát nạn khác qua ban công, cửa sổ, sân thượng sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống bằng thang dây hoặc bố trí lối thoát lên mái nếu mái nhà có kết cấu bằng các tấm lợp; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh. Trường hợp, không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy nhanh nhất có thể.
          - Trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát từ gian phòng ra ngoài theo lối cầu thang bộ, cửa chính; nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính để chèn, dán kín vào khe cửa để ngăn khói, khí độc vào phòng đang ở, di chuyển ra ban công, lên mái sang nhà bên cạnh để báo hiệu cho lực lượng PCCC và CNCH hỗ trợ biết, ứng cứu kịp thời.
          Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo an toàn không để xảy ra cháy, nổ mỗi người dân hãy tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tìm hiểu những nơi về cháy, nổ tại nơi làm việc, nơi ở và đưa ra các biện pháp phòng ngừa. Thường xuyên chú trọng việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy khác ở mọi lúc, mọi nơi. Tự kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót để hạn chế thấp nhất số vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra. Thực hiện tốt công tác PCCC là bảo vệ tính mạng, tài sản, giữ bình yên, hạnh phúc cho mọi gia đình và toàn xã hội.

 

Liên kết