TĂNG HUYẾT ÁP THAI KỲ- TIỀN SẢN GIẬT (TSG)

17/07/2024 10:42        

CN. Bùi Thị Cẩm Tiên

PTK. Chăm sóc sức khỏe Trẻ em – Phòng chống suy dinh dưỡng

I. TIỀN SẢN GIẬT (TSG)

Tiền sản giật là bệnh lý có nhiều biến chứng đối với cả mẹ và thai nhi, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ, tử vong chu sinh trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của TSG còn kéo dài sau sinh, liên quan đến các lần sinh tiếp theo và là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý tim mạch về sau.

TSG là rối loạn chức năng nhiều cơ quan liên quan đến thai nghén đặc trưng với sự xuất hiện triệu chứng tăng HA và protein niệu hoặc các triệu chứng lâm sàng liên quan đến tổn thương nhiều cơ quan do ảnh hưởng của TSG.

II. TRIỆU CHỨNG

1. Tăng huyết áp

- Triệu chứng tăng HA trong TSG được xác định khi tuổi thai sau tuần thứ 20.

- Trường hợp bệnh nhân chưa biết giá trị HA trước đó, chẩn đoán khi HATT ≥ 140mmHg hoặc HATTr ≥ 90mmHg, đo 2 lần cách nhau 4 giờ và không quá 1 tuần.

2. Protein niệu

- Chẩn đoán protein niệu trong thai kỳ khi lượng protein bài xuất trong nước tiểu ≥ 300 mg/24 giờ.

- Hoặc tỷ lệ protein/creatinine niệu ≥ 0,3 (mg/dl) hoặc dipstick 2+ (sử dụng nếu phương pháp định lượng không có sẵn).

3. Các triệu chứng lâm sàng khác:

- Rối loạn thị giác và tri giác, đau đầu không đáp ứng với các thuốc giảm đau, đau vùng thượng vị, hạ sườn phải, tan máu, phù phổi...

* Triệu chứng cận lâm sàng

- Giảm tiểu cầu (< 100.000/mm3) ở mẹ có thể xảy ra cấp tính và phụ thuộc vào mức độ tiến triển, mức độ trầm trọng của bệnh.

- Các thay đổi liên quan đến thận bao gồm giảm mức lọc cầu thận, tăng nồng độ creatinin, acid uric huyết thanh.

-  Hoại tử và xuất huyết quanh khoảng cửa ngoại vi phân thùy gan gây tăng các men gan (SGOT, SGPT).

- Xét nghiệm nước tiểu có protein niệu và hồng cầu niệu.

- Soi đáy mắt biểu hiện co các động mạch võng mạc ở một điểm hay một vùng hoặc phù võng mạc.

4. Phân loại mức độ nguy cơ:

- Nguy cơ cao:

+ Tiền sử TSG (đặc biệt khi TSG có biến chứng nặng)

+ Đa thai, tăng HA mạn, đái tháo đường typ 1 hoặc 2, bệnh thận, bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid...).

- Nguy cơ trung bình:

+ Thai con so, béo phì (BMI >30kg/m2)

+ Tiền sử gia đình TSG (mẹ hoặc chị em), mẹ trên 35 tuổi,

+ Đặc điểm xã hội (điều kiện kinh tế xã hội thấp)

+ Tiền sử mang thai nhẹ cân, kết quả thai kỳ bất lợi, khoảng cách giữa 2 lần mang thai trên 10 năm

Chẩn đoán phân biệt giữa TSG nặng và TSG nhẹ đôi khi không kịp thời do TSG nhẹ tiến triển quá nhanh.

Huyết áp cao một mình nó không thể giúp dự đoán chính xác diễn tiến của TSG.

Ví dụ:

  • Một người mang thai ở tuổi vị thành niên có thể co giật khi
  • Có protein-niệu 3+
  • Huyết áp 140/85 mmHg
  • Một phụ nữ lớn tuổi hơn chỉ co giật khi
  • Huyết áp lên đến 180/120 mmHg.
  • Thường các cơn co giật xảy ra sau các triệu chứng báo động như nhức đầu hay hoa mắt nhiều.

Để một thai kỳ khỏe mạnh khách hàng hãy đến cơ sở y tế uy tín theo dõi khám thai định kỳ.

Trung tâm CSSKSS là nơi cung cấp đáng tin cậy nhất cho các lựa chọn của anh chị. Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn: 0815.998.008 (Số điện thoại Chăm sóc khách hàng). Xin chân thành cảm ơn!

 

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 1911/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 19/4/2021 về việc ban hành tài liệu Hướng dẫn Sàng lọc và điều trị dự phòng tiền sản giật./.

 

 

Liên kết