Tâm lý của tuổi dậy thì là một giai đoạn phức tạp và không lấy gì làm dễ chịu. Đặc điểm lớn nhất là các em nghĩ mình đã lớn, có suy nghĩ độc lập, tự quyết định mọi hành vi và yêu cầu mọi người phải tôn trọng. Trong khi bố mẹ lại không nghĩ như vậy. Lúc này trẻ thường có những hành động vượt ra khỏi khuôn khổ nhằm khám phá cũng như để khẳng định mình. Nếu bố mẹ không biết nắm bắt tâm lý của con và cư xử phù hợp sẽ rất dễ xảy ra các xung đột trong gia đình.
Các em sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đến diện mạo, vóc dáng, ưu nhược điểm trên cơ thể, kể cả bé trai và bé gái. Trẻ quan tâm nhiều đến những thay đổi của cơ thể và hay so sánh bản thân với các bạn cùng trang lứa. Đặc biệt các bé gái thường trở nên nhạy cảm thái quá, dễ lo lắng, buồn rầu về những nhược điểm trên cơ thể của mình.
Lúc này tính cách trẻ phát triển theo xu hướng mưu cầu sự độc lập, muốn tách khỏi kiểm soát của gia đình, mở rộng hơn nữa các mối quan hệ, đồng thời muốn tự quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân mình. Khi đó, trẻ rất xem trọng tình bạn và thường chịu ảnh hưởng của bạn bè, dù đó là bạn tốt hay xấu.
Trẻ thường lơ đễnh, thiếu tập trung. Tâm trạng khá thất thường. Đang nóng nảy, phóng túng bỗng trở nên nhút nhát, ủy mỵ. Lòng tự tin của trẻ rất cao, thích chứng tỏ, nhưng cũng rất dễ buồn vì những lý do chẳng ai hiểu nổi. Trẻ bướng bỉnh ở trường, nhưng ở nhà cũng rất khó dạy dỗ.
Tâm lý bất ổn của trẻ còn thể hiện đôi lúc buồn vu vơ, lúc khác lại có thể rất vui vì một chuyện riêng của mình, đặc biệt trẻ hay nổi cáu và chống cự quyết liệt khi bị sai khiến, yêu cầu, quát nạt…
Ở tuổi dậy thì trẻ ít tính kiên nhẫn, hay sốt ruột. Trẻ có đủ khả năng hoạt động tình dục, dễ rung động, nhưng về mặt tâm lý tình dục thì vẫn còn non nớt. Vì vậy, trẻ ở tuổi này thường hay bối rối, thiếu tự tin trước bạn khác giới.
Tuy nhiên đây cũng là thời kỳ mà tài năng, trí tuệ của trẻ phát triển mạnh và là giai đoạn khởi điểm để phát triển sự nghiệp. Việc giáo dục, hướng dẫn trẻ tập trung vào học hành và phát huy tài năng, sở trường cũng là điều hết sức quan trọng.
Vì vậy, ứng xử quan trọng nhất của bố mẹ lúc này là cần phải kiên nhẫn. Hãy ứng xử với trẻ đúng như trẻ mong muốn. Đó là hãy xem trẻ như một người lớn thực sự. Bên cạnh đó, cha mẹ cần khéo léo đi sâu vào tâm sự của con. Hãy là một người bạn thực sự của con để trẻ bộc lộ tâm sự, kể cả những điều thầm kín nhất.
Đây là cách tốt nhất cha mẹ có thể giúp trẻ và định hướng cho con trong hành trang vào tuổi dậy thì lâu dài và hết sức phức tạp.
Phạm Huỳnh Thúy Ngân
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Nguồn: nhatkybe.vn