Dậy thì ở lứa tuổi từ 10 -14 tuổi là nhóm sớm. Giai đoạn từ 14-17 tuổi là nhóm giữa và 18 - 19 (21 tuổi) là nhóm muộn. Tuổi xuất hiện dậy thì của trẻ em ở các nước phát triển, ở trẻ gái là 9 tuổi, trẻ trai là 12 tuổi. Ở Việt Nam, tuổi trung bình bắt đầu dậy thì trong nghiên cứu 7575 trẻ miền Bắc thì trẻ gái là 11 tuổi 10 tháng, trẻ trai là 13 tuổi 5 tháng.
Dấu hiệu dậy thì
Dấu hiệu dậy thì đầu tiên của trẻ gái là bắt đầu phát triển tuyến vú, liên quan chặt chẽ đến giai đoạn tăng phát triển chiều cao. Tuyến vú phát triển, thay đổi sắc tố núm vú, quầng vú. Khoảng 6 tháng sau xuất hiện lông mu. Niêm mạc âm đạo có màu hồng, tiết dịch, môi lớn, môi bé phát triển, tế bào âm đạo ngấm estrogen có các tế bào đa diện ưa acide có nhân dạng chấm nốt. Lông mu có hình tam giác đỉnh quay xuống dưới, lông nách xuất hiện muộn hơn (1-1,5 năm sau), ngay trước khi có kinh. Thể tích tử cung lớn dần.
Dấu hiệu dậy thì hoàn toàn là xuất hiện kinh nguyệt. Những vòng kinh đầu tiên có thể không có rụng trứng.
Dấu hiệu dậy thì đầu tiên của trẻ trai là tăng thể tích tinh hoàn, đạt hơn 4cm3 và chiều dài tinh hoàn trên 2,5cm, kích thước dương vật phát triển, da bìu thâm đen, xuất hiện lông mu. Tuyến tiền liệt hoạt động mạnh, trẻ xuất hiện lông ngực, râu, lông nách. Trẻ cũng bắt đầu bài tiết mồ hôi nách với mùi đặc trưng, giọng trầm.
Dấu hiệu dậy thì hoàn toàn là xuất tinh nhưng số lượng tinh trùng chỉ đảm bảo được chức năng sinh sản sau 1-2 năm .
Lúc này trẻ cũng tăng phát triển chiều cao, tốc độ tăng trưởng trên 5,3 ± 1,4 cm ở trẻ gái, trẻ trai là 5,6 ± 1,4 cm. Đỉnh tăng trưởng xảy ra khoảng 2 năm sau khi có dấu hiệu đầu tiên của dậy thì và kết thúc trước tuổi dậy thì hoàn toàn từ 6 tháng đến 9 tháng sau đó. Ở trẻ gái, đỉnh tăng trưởng xảy ra ở lứa tuổi 11-12 tuổi; trẻ trai từ 13-14 tuổi. Chiều cao của trẻ gái phát triển cao nhất 8,1 cm/năm, kinh nguyệt thường xuất hiện trong giai đoạn này. Từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc quá trình dậy thì trẻ gái có thể cao lên khoảng 25,3 cm. Tốc độ phát triển cao nhất là 9,05 cm/năm ở trẻ trai, tương đương với sự bài tiết testosteron. Lúc kết thúc dậy thì, chiều cao trẻ trai có thể tăng 27,6 cm. Chiều cao chính thức của nam và nữ có sự cách biệt trung bình đến 13 cm, do đỉnh tăng trưởng của trẻ gái xuất hiện sớm nhưng cũng kết thúc sớm.
Cùng với sự phát triển chiều cao là cân nặng. Đỉnh phát triển cân nặng ở trẻ trai 4,9 kg/năm từ 13-14 tuổi, trẻ gái 2,34 kg/năm, từ 11-12 tuổi. Xương chi của trẻ cũng dài ra, trẻ gái phát triển mạnh khung chậu, trẻ trai phát triển vai. Khối cơ ở trẻ trai phát triển gấp đôi trẻ gái, trong khi khối mỡ ở trẻ gái phát triển mạnh hơn (28%/14%).
Tuy nhiên, một số trẻ có các hiện tượng dậy thì không đồng bộ. Các dấu hiệu dậy thì không xuất hiện theo tuần tự bình thường, lông mu, hay lông nách xuất hiện trước khi tuyến vú hay tinh hoàn phát triển. Hoặc hiếm hơn nữa, kinh nguyệt có thể là dấu hiệu đầu tiên của dậy thì ở nữ chứ không phải những hiện tượng khác.
Biến đổi nội tiết trong giai đoạn dậy thì
Thời điểm này hocmôn sinh dục bắt đầu hình thành và hoạt động mạnh. FSH, LH là những hoocmôn kích thích sinh dục, do thuỳ trước tuyến yên tiết ra, được điều tiết bởi tuyến sinh dục (buồng trứng và tinh hoàn) ở cả hai giới tính. FSH kích thích việc sản xuất (tinh trùng và trứng) của tế bào sinh dục, còn LH kích thích việc sản xuất những hoocmôn sinh dục.
Ở nữ, FSH (Follicle Stimulating Hormon) bảo đảm sự tăng trưởng của nang trứng và kích thích hoạt động arom-hoá chuyển oestrogen thành estradiol. LH kết hợp với FSH làm chín trứng, sau đó LH sẽ kích thích sự rụng trứng, thúc đẩy sự tổng hợp và phóng thích hoocmôn buồng trứng (estrogen và progesteron). Ở nam LH kích thích những tế bào của tinh hoàn để sản xuất testosteron.
Trước tuổi dậy thì FSH và LH hầu như không có trong máu. Tuy nhiên suốt tuổi dậy thì, hoocmôn kích thích sinh dục bị kích hoạt và mức độ kích dục bắt đầu gia tăng, khiến cho bộ phận sinh dục phát triển đầy đủ để thành người thành niên.
Hocmôn tuyến thượng thận cũng bắt đầu phát triển. DHEA và Androstenedion (dehydroepiandrosteron), qua testosteron và estrogen làm phát triển đặc tính sinh dục phụ (hệ thống lông), nhất là các đặc tính sinh dụcnam, phát triển cơ quan sinh dục nam (bìu, dương vật).
Các hoc môn làm tăng trưởng GH và TSH hoạt động mạnh. GH được tạo ra bởi những tế bào kích thích sinh dưỡng (somatotropes). GH kích thích hầu hết tế bào cơ thể gia tăng về kích thước và sự phân chia, mục tiêu chủ yếu của nó là xương và cơ xương, hỗ trợ khối cơ tăng trưởng. TSH là một hoocmôn kích thích sự phát triển thông thường và hoạt động tiết của tuyến giáp.
Như vậy, vào thời kỳ dậy thì, trẻ đã có tất cả những hooc-môn quan trọng nhất, nhất là các hooc-môn sinh dục và sinh sản đã hình thành. Lúc này, cơ thể trẻ đã có đầy đủ yếu tố cơ bản của người trưởng thành. Đặc biệt lúc này, trẻ đã có khả năng tình dục, mang thai và sinh con.
Phạm Huỳnh Thúy Ngân
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Nguồn: nhatkybe.vn