NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ SẨY THAI

07/05/2015 14:52        
Nếu sẩy thai từ 2 lần gần nhau trở lên gọi là sẩy thai liên tiếp và tỉ lệ sẩy thai trung bình ở thai phụ khoảng 15%.
Bác sĩ có thể chẩn đoán dọa sẩy thai (hay động thai) khi thai phụ có đau bụng và ra huyết âm đạo, đây có thể là dấu hiệu cho thấy có thể bị sẩy thai, có thể phối hợp với hình ảnh của siêu âm. Thai phụ càng lớn tuổi thì tỉ lệ sẩy thai càng cao.

Tỉ lệ sẩy thai tăng rõ khi thai phụ > 30 tuổi, tăng nhanh khi 35-40 tuổi và tăng nhất nếu có thai  khi > 40 tuổi.

Một số nguyên nhân gây sẩy thai thường gặp:
Trong thực tế, rất khó xác định nguyên nhân gây sẩy thai, hơn 50% trường hợp sẩy thai mà không tìm được nguyên nhân

Bản thân thai bất thường nên ngừng phát triển, chủ yếu do bất thường nhiễm sắc thể.

Dị dạng tử cung cũng có thể dẫn đến sẩy thai, thường xảy ra ở 3 tháng giữa thai kỳ. Ngoài ra một số nguyên nhân khác do bất thường tử cung như u xơ tử cung, polyp lòng tử cung…

Một số loại vi rút, vi khuẩn như toxoplasma, rubella, cytomegalo vius, herpes vius, Chlamydia…có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai.

Một số nguyên nhân do miễn dịch trong cơ thể người mẹ cũng có thể gây sẩy thai

Các dấu hiệu nghi ngờ sẩy thai:
Phụ nữ có thai nếu thấy có một trong các dấu hiệu sau thì có thể nghi ngờ sẩy thai như đau lưng, đau vùng bụng dưới từng cơn; ra máu âm đạo thường là máu cục hoặc ra máu loãng từ âm đạo có thể kèm đau vùng bụng dưới.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ sẩy thai, các chị nên nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa sản phụ hoặc bệnh viện đa khoa để được khám và xử trí kịp thời. Tại đó Bác sĩ có thể siêu âm kiểm tra tình trạng thai; thử máu và các xét nghiệm cần thiết khác; khám âm đạo - kiểm tra cổ tử cung.

Trong trường hợp nghi ngờ sẩy thai hoặc dọa sẩy thai, các chị nên nghỉ ngơi tại chỗ (nằm yên), và sử dụng thuốc nội tiết dưỡng thai theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên giao hợp trong thời điểm này, không nên di chuyển nhiều hoặc là đi xe máy, không làm việc nặng.

Nếu đã sẩy thai thực sự thì các chị phải nằm lại bệnh viện để theo dõi tình trạng ra huyết âm đạo và các triệu chứng khác. 

Đa số thai sẽ tự sẩy hoàn toàn, và nếu sẩy thai hoàn toàn thì không cần can thiệp gì đặc biệt, tuy nhiên bệnh nhân phải được kiểm tra cẩn thận bằng khám lâm sàng và siêu âm tử cung.

Nếu còn sót nhau hoặc thai ở trong tử cung thì bác sĩ có thể điều trị nội khoa  hoặc ngoại khoa tùy theo tình trạng lúc đó.

Hiện tại, Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa mỗi ngày tiếp nhận gần cả trăm lượt khách hàng đến khám thai, trong đó các trường hợp dọa sẩy thai chiếm không nhiều và đều được điều trị có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bóc tách túi thai quá nhiều kèm ra máu âm đạo hoặc thai đang sẩy thì buộc phải can thiệp để tránh các tai biến ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ, tùy mỗi trường hợp có thể cho bệnh nhân điều trị nội khoa (uống thuốc) để thai tự ra hoàn toàn hoặc ngoại khoa (hút lòng tử cung) phối hợp trực tiếp với siêu âm tại chỗ để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao cho bệnh nhân.

Sau sẩy thai các chị nên nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng hoặc quá sức, sử dụng biện pháp ngừa thai đến sau 3 tháng mới có thai lại. Trong thời gian đó hãy đi khám phụ khoa để được kiểm tra và được bác sĩ tư vấn nhằm  chuẩn bị tốt cho lần có thai tiếp theo. 



BS. Trần Thị Quỳnh Uyên
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa


 Nguồn:  Sách sản phụ khoa-ĐHYD tp HCM
              Bệnh viện Từ Dũ
              Bệnh viện Mỹ Đức


 

Liên kết