VIÊM ÂM ĐẠO

10/06/2015 14:25        
Gần đây chị Lê Thị M. thấy mình có những biểu hiện ngứa “vùng kín”, máu trắng ra nhiều khiến cho sinh hoạt hằng ngày cũng như sinh hoạt vợ chồng bị ảnh hưởng. Sau khi khám thì các bác sĩ phụ khoa kết luận chị bị viêm âm đạo nặng. Chị M. làm công tác lại công ty nước ngoài, có điều kiện kinh tế và vốn là một người ưa sạch sẽ, nên chị rất ý thức trong việc giữ vệ sinh phụ nữ. Nước rửa cũng phải được qua máy lọc vô trùng, vệ sinh xong lại rửa và dùng khăn lau khô nên chị không nghĩ rằng mình có thể mắc bệnh.

Nguyên nhân: Theo các bác sĩ phụ khoa thì viêm âm đạo là tình trạng âm đạo, âm hộ bị viêm nhiễm. Nguyên nhân viêm âm đạo do nhiều yếu tố gây ra như: trùng roi, nấm men, chlamydia, gardia vaginalis, lậu cầu hay tuổi già…, trong đó viêm âm đạo do trùng roi, nấm men, vi khuẩn thường là phổ biến nhất.

- Viêm âm đạo do nhiễm ký sinh trùng roi Trichomonas: nhiễm ký sinh trùng roi Trichomonas có thể dẫn tới các bệnh như viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm bể thận. Trùng roi Trichomonas còn có thể “nuốt” tinh trùng dẫn đến tình trạng vô sinh, hiếm muộn ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng.

- Viêm âm đạo do nấm Candida: Đây là một bệnh khó chữa và dễ bị tái phát nếu không điều trị đúng cách, dễ dẫn tới dị tật bào thai và các bệnh nhiễm trùng khác.

- Viêm âm đạo do vi khuẩn: đây là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng bộ phận sinh dục, bệnh viêm vùng chậu, viêm thận, đau khi quan hệ.

Ngoài những nguyên nhân trên thì viêm âm đạo còn do một số nguyên nhân như: vệ sinh “vùng kín” không đúng cách, mặc băng vệ sinh quá lâu, mặc quần áo quá chật, thay đổi nội tiết tố,…

Viêm âm đạo là bệnh rất dễ mắc phải, đặc biệt là chị em đã có quan hệ tình dục thì nguy cơ mắc bệnh càng cao nếu không được điều trị có thể gây những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe sinh sản ở chị em. Do vậy, ngay khi có những dấu hiệu bất thường ở âm hộ, bạn nên đến cơ sở y tế để bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điều trị viêm âm đạo: là điều cần thiết để tránh những biến chứng có thể xảy ra với sức khỏe của người bệnh. 

Trước tiên, việc điều trị viêm âm đạo cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Do vậy, khi thấy có những triệu chứng ngứa “vùng kín” khí hư ra nhiều có mùi hôi và có màu sắc khác thường chị em cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và xác định bệnh và tìm ra nguyên nhân gây bệnh từ đó các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị đúng.

Bình thường, nguyên nhân viêm âm đạo do rất nhiều tác nhân gây nên như viêm do tác nhân vi sinh bao gồm nấm Candida albicans, trùng roi Trichomonas vaginalis và tạp trùng hoặc viêm nhiễm do vi khuẩn thường, tuổi già,… Do vậy, cách chữa viêm âm đạo tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm âm đạo.

- Viêm âm đạo do Trichomonas bệnh thường day dẳng, hay tái phát, nên việc điều trị thường kéo dài. Thông thường, những bệnh nhân viêm âm đạo do ký sinh trùng được chỉ định dùng thuốc đặt âm đạo, hoặc thuốc uống. Việc điều trị cần thiết phải đồng thời với cả bạn tình.

- Với viêm âm đạo do nấm men (chủ yếu là nấm Candida), được chỉ định dùng thuốc đặt âm đạo kết hợp các biện pháp vệ sinh ngoài bộ phận sinh dục.

- Viêm âm đạo do vi khuẩn thường dùng thuốc kháng sinh phối hợp estrogen đặt âm đạo.

Ngoài các phương pháp trên, việc thay đổi một số thói quen sinh hoạt cũng góp phần hỗ trợ điều trị viêm âm đạo có hiệu quả như việc:

+ Thay đổi chế độ ăn và bổ sung thêm chất dinh dưỡng cũng có thể giúp ích cho việc điều trị viêm âm đạo. Các vitamin chống ôxy hóa, bao gồm A, C, E, và các vitamin nhóm B, vitamin D, được khuyên dùng.

+ Tránh dùng các chất kích thích hoặc các thực phẩm có chứa nhiều chất béo bao gồm phô mai, rượu, bia, cafein, chocolate, nước tương, đường, dấm, thực phẩm lên men.

+  Nên mặc quần lót rộng rãi, bằng vải coton để “vùng kín” được khô ráo mát mẻ, giúp phòng tránh một số thể viêm âm đạo.

+ Thực hiện tình dục an toàn để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

+ Khám phụ khoa định kỳ. Khi đã mắc bệnh phải đi khám phụ khoa ngay để xác định nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời.

Viêm âm đạo nếu không được điều trị đúng sẽ dẫn đến những biến chứng như viêm cổ tử cung, viêm phần phụ, viêm nội mạc tử cung, Do vậy, việc đi khám để nhận được tư vấn và điều trị là cần thiết. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc.

Cách dự phòng:  Theo các tài liệu, nếu không muốn bị viêm âm đạo “ghé thăm” chị em nên thực hiện một cách  những biện pháp sau đây: 

- Vệ sinh sạch sẽ thường xuyên trong thời kỳ kinh nguyệt, thai nghén, hậu sản, trước và sau khi quan hệ tình dục.

- Giữ cho vùng kín càng khô ráo càng tốt. Tránh mặc quần áo chật, quần ẩm ướt, không nên mặc đồ lót bó sát ngăn da tiếp xúc với không khí gây rối loạn tuần hoàn máu, thay quần lót thường xuyên.

- Không thụt rửa âm đạo khi không có chỉ dẫn của thầy thuốc, vì việc thụt rửa dễ ảnh hưởng tới độ pH của âm đạo.

- Không nên dùng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín. Khi sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ cần chọn lựa sản phẩm phù hợp, không nên sử dụng thường xuyên những dung dịch sát khuẩn mạnh, tránh làm xáo trộn môi trường tự nhiên của âm đạo.

- Không dùng nước bẩn có nhiều vi sinh vật như nước ao hồ, kênh rạch để tắm rửa vệ sinh.

- Quan hệ tình dục an toàn: Quan hệ tình dục an toàn và lành mạnh không chỉ giúp bạn tránh được bệnh viêm âm đạo mà còn phòng được nhiều bệnh phụ khoa nguy hiểm khác.

- Vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục: Cả nam giới và phụ nữ cần phải vệ sinh bộ phận sinh dục bằng nước sạch trước và sau khi quan hệ tình dục. Tránh giao hợp trong những ngày có hành kinh vì rất dễ nhiễm khuẩn.

- Không sử dụng bừa bãi các loại kháng sinh: Việc sử dụng bừa bãi các thuốc kháng sinh, Corticoid, làm thay đổi môi trường acid của âm đạo cũng góp phần làm gia tăng sự viêm nhiễm do vi khuẩn gây bệnh có điều kiện phát triển vượt qua cả sức tự bảo vệ của cơ thể.

- Nên đi khám phụ khoa định kỳ hàng năm. Khi thấy có triệu chứng như: khí hư ra nhiều có mùi hôi, âm đạo ngứa, nóng rát,… cần đi khám phụ khoa ngay để xác định nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời.

Trên đây, là một số thông tin liên quan đến các tác nhân, điều trị và cách dự phòng viêm nhiễm âm đạo. Để không viêm âm đạo “ghé thăm nhà chị em”, chúng ta nê ý thức dự phòng bệnh từ ban đầu và tái khám theo lịch hẹn.


Tài liệu tham khảo:
- Hội chứng tiết dịch âm đạo, Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (2009).
- Sản phụ khoa (2011), Nhà xuất bản Y học.

 

Liên kết