Cho tới nay, vi khuẩn viêm gan D được xem là một trong những vi khuẩn viêm gan nguy hiểm nhất, với khả năng tàn phá lá gan rất nhanh chóng.
Vi khuẩn viêm gan D được khám phá vào năm 1977 bởi Rizzetto. Ðây là một loại vi khuẩn có cơ cấu và kiến trúc thô sơ như vi khuẩn của các loài cỏ cây (viroids hoặc virusoids). Vì thế chúng được xem là một loại vi khuẩn "không trọn vẹn" hoặc "kém vẹn toàn". Nếu đứng một mình, chúng sẽ không làm "ra trò trống" gì cả. Tuy nhiên, với sự hiện diện của vi khuẩn viêm gan B, chúng có thể trở nên "hung dữ" và có khuynh hướng "hùa theo" vi khuẩn viêm gan B để tàn phá lá gan của chúng ta. Nói một cách khác, với sự hiện diện của vi khuẩn viêm gan B, vi khuẩn viêm gan D đã từ một nhiễm thể RNA "không hồn" biến thành một trong những vi khuẩn viêm gan nguy hiểm nhất trong nhân loại. Người ta cũng khám phá ra ít nhất là 3 kiểu gene (genotype). Loại số 1 được tìm thấy khắp nơi trên thế giới; loại số 2 được khám phá tại Ðài Loan; loại số 3 tìm thấy nhiều nhất ở Châu Mỹ Latin. Loại số 2 ít gây bệnh tật hơn hai loại kia. Loại số 3 được xem là nguy hiểm nhất.
Trong lúc "ăn bám" vào vi khuẩn viêm gan B, chúng "mượn" lớp vỏ kiên cố HBsAg làm "chiếc áo" phòng thân cho chính mình. Không có chất HBsAg, "mặc ké" của vi khuẩn viêm gan B, chúng không thể nào xâm nhập được vào tế bào gan. Và sau khi tăng trưởng trong tế bào gan, chúng sẽ không có khả năng truyền nhiễm và lan tràn bệnh từ tế bào này sang tế bào kia, nếu không có sự hiện của "chiếc áo giáp HBsAg". Nói một cách dễ hiểu, vi khuẩn viêm gan D giống như một viên đạn, cần phải có "khẩu súng" là vi khuẩn viêm gan B, mới có thể tàn phá được cơ thể người bệnh.
AI CÓ THỂ BỊ VIÊM GAN D?
Ðây là một bệnh truyền nhiễm "có điều kiện". Bệnh "chỉ" nguy hiểm, cho những bệnh nhân đang hoặc sẽ bị bệnh viêm gan B mà thôi. Nói một cách khác, bệnh chỉ lây qua những ai chưa có kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan B. Người được miễn nhiễm bệnh viêm gan B, vì thế, sẽ không phải lo lắng về bệnh viêm gan D nữa.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 5% bệnh nhân viêm gan B kinh niên, nghĩa là khoảng 15 triệu người, đang bị cả viêm gan B lẫn viêm gan D. Tuy bệnh viêm gan D giảm dần nhờ vào những cuộc chích ngừa bệnh viêm gan B hữu hiệu và quy mô trong mọi từng lớp xã hội, tỷ lệ viêm gan D vẫn còn tương đối cao, từ 1.4% đến 8.0% tùy theo từng địa danh. Vì bệnh lây qua máu, nên từ 20% đến 53% những người chích cần sa, ma túy (nhất là khi dùng chung kim của nhau); và từ 48% đến 80% những người bệnh huyết hữu (hemophiliacs) đã và đang bị bệnh viêm gan B & D. Mỗi năm trên nước Mỹ, sẽ có khoảng 7,500 người bị lây bệnh này. Trong cộng đồng người Việt chúng ta, có khoảng 1.25 % người đang bị viêm gan B & D.
CÁCH THỨC LÂY BỆNH
Bệnh thường lây qua máu và vấn đề sinh lý. Tuy nhiên, bệnh chỉ lây qua những người đang bị viêm gan B với kháng nguyên HBsAg mà thôi. Kháng nguyên này, như những thỏi "nam châm" thu hút vi khuẩn viêm gan D một cách mãnh liệt và khuếch trương sự tăng trưởng của chúng một cách nhanh chóng. Vì thế, chỉ cần một ít vi khuẩn viêm gan D cũng có thể truyền bệnh từ người này sang người khác một cách dễ dàng. May mắn thay, trong những năm vừa qua, song song với đà tiến triển của nhân loại, nhất là nhờ vào sự chích ngừa bệnh viêm gan B một cách thứ tự và triệt để cho mọi từng lớp dân chúng, bệnh viêm gan B và D có khuynh hướng giảm dần một cách rất khả quan.
Một lần nữa, tương tự như viêm gan B, bệnh viêm gan D rất dễ lây khi chăn gối với người có bệnh. Vì thế xin đừng quên "mặc áo giáp", "đeo áo mưa".
Trong những năm gần đây, chích thuốc phiện đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm gan D, nhất là khi những người nghiện thuốc này dùng chung kim của nhau. Ở Ðài Loan, chẳng hạn, hơn 90% bệnh nhân viêm gan B lây từ chích thuốc phiện, bị thêm bệnh viêm gan D. Họ cũng dễ bị nhiễm trùng với vi khuẩn HIV.
Vũ Đình Tuấn
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Nguồn: www.ungthu.org
Hội ung thư Việt – Mỹ