Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí American Journal of Obstetrics & Gynecology, tinh dịch của các quý ông trong mùa đông sẽ chứa nhiều tinh trùng có tốc độ bơi nhanh hơn và ít bị biến dị bất thường hơn. Chất lượng “tinh binh” sẽ giảm dần từ mùa xuân trở đi.
“Các mẫu tinh dịch vào mùa đông và mùa xuân tương thích với khả năng thụ tinh tăng cao và có thể giúp lý giải cho số lượng ca sinh nở đạt đỉnh trong mùa thu”, trưởng nhóm nghiên cứu – nhà khoa học Eliahu Levitas đến từ Đại học Ben-Gurion ở Beer-Sheva, cho biết.
Các nhà nghiên cứu kết luận, nếu sức mạnh của “tinh binh” tuân thủ theo chu kỳ mùa, kiến thức này sẽ trở nên vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với những cặp vợ chồng đang phải chữa trị vô sinh cũng như hiếm muộn ở nam giới chưa thành công và kéo dài.
Các nghiên cứu trước đây, chủ yếu trên động vật, cũng thu được kết quả tương tự, phù hợp với mùa sinh sản của chúng. “Điều nan giải hiện nay là tìm ra yếu tố nào dẫn đến hiện tượng này”, ông Edmund Sabanegh, chủ nhiệm Khoa tiết niệu của Bệnh viện Cleveland, Ohio (Mỹ) và không tham gia nghiên cứu trên, nói.
Trong các nghiên cứu trên động vật, việc thay đổi theo mùa đối với quá trình sản sinh “con giống” và khả năng sinh sản có liên quan đến hàng loạt yếu tố, từ nhiệt độ tới thời lượng tiếp xúc ánh sáng ban ngày và sự thay đổi hoóc môn.
Ở người, một số nghiên cứu gần đây phát hiện, chất lượng “tinh binh” đang suy giảm khắp toàn cầu. Dù chưa biết chính xác tại sao nhưng giới khoa học đã đưa ra hàng loạt giả thuyết, từ lối sống ít vận động hơn tới các hóa chất trong môi trường đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe “con giống” của đàn ông.
Chuyên gia Sabanegh tuyên bố, bất chấp nghiên cứu mới, các bác sĩ không nên khuyên đàn ông hiếm muộn, có số lượng tinh trùng thấp chờ đợi tới mùa đông hoặc mùa xuân để thử thụ tinh. Theo ông, họ cần được tiếp tục khuyến khích cố gắng có con vào mọi mùa trong năm và có thể được hưởng lợi từ những biện pháp can thiệp cũng như hỗ trợ y học.
Vũ Đình Tuấn: Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa.
Theo Vietnamnet