SỰ THẬT VIỆC QUẢNG CÁO TỈ LỆ CÓ THAI CAO KHI LÀM IVF TẠI THÁI LAN (phần 1)

29/10/2015 15:42        
Tỉ lệ có thai là một phân số. Tử số là số trường hợp có thai, mẫu số là số trường hợp được chuyển phôi. Khi không thể tăng được tử số, để làm giá trị phân số này tăng lên, ta cần làm giảm mẫu số. Cái này thì ai cũng biết. Và các trung tâm IVF ở Thái đã làm cách này để có con số cao hơn và dùng cho quảng cáo, thu hút bệnh nhân thiếu hiểu biết.

Giả sử có 100 phụ nữ đi làm IVF, tuổi trung bình vào khoảng 35 tuổi. Trung bình, các phụ nữ này sẽ chọc hút được khoảng 10 trứng, trung bình sẽ có khoảng 5-6 phôi ngày 2, nếu nuôi cấy tiếp sẽ có khoảng 4-5 phôi ngày 3 và khoảng 2-3 phôi blastocyst. Một số phụ nữ do chất lượng phôi không tốt, sẽ không có phôi khi nuôi cấy càng dài ngày. Chất lượng phôi càng tốt thì sẽ có nhiều phôi còn sống khi nuôi cấy dài ngày và ngược lại.

Như vậy, trong 100 người, sẽ có 95-100% người sẽ có phôi ngày 2; 90% sẽ có được phôi ngày 3; 50-60% sẽ có phôi đến blastocyst. Phải hiểu rằng không phải tất cả bệnh nhân đều có được phôi blastocyst. Đây là tỉ lệ tự nhiên không làm tăng hơn được. Hầu hết các trung tâm IVF ở Việt Nam đều có đủ điều kiện để nuôi phôi đến giai đoạn blastocyst. Thật ra, đơn giản là chỉ cần nuôi cấy phôi tiếp tục trong tủ cấy như đã làm, thêm vài ngày nữa.
 
Nếu nuôi cấy đến phôi ngày 3, đa số phụ nữ sẽ còn đủ số phôi để chuyển phôi 2 lần (mỗi lần chuyển khoảng 2 phôi). Mỗi lần chuyển phôi, khả năng có thai là khoảng 35%. Nghĩa là, sau lần chuyển phôi đầu tiên , có khoảng 35 người sẽ có thai. Đa số đều còn có thể chuyển phôi lần 2 do còn dư phôi. Trong số 65 người thất bại sau chuyển phôi lần đầu, khoảng 50 người sẽ còn phôi dư và tiếp tục chuyển phôi đông lạnh và sẽ có thể khoảng 15 người nữa có thai . Như vậy trong 100 người làm IVF, cuối cùng sẽ có khoảng 50 người có thai, tỉ lệ chung là 50%. Trong đó, mỗi lần chuyển phôi (phôi ngày 3), tỉ lệ có thai là 35%. Đây là tỉ lệ mà các trung tâm thường tư vấn cho phụ nữ trước chuyển phôi.
 
Nếu nuôi cấy phôi đến giai đoạn blastocyst, thực tế sẽ chỉ có khoảng 50-60 người có được phôi blastocyst và số phôi đi đến được giai đoạn blastocyst trung bình của mỗi người vào khoảng 2-3 phôi. Một số người không có phôi chuyển vì phôi ngưng phát triển trước khi đến giai đoạn blastocyst, hoặc phải ngưng nuôi cấy để chuyển phôi sớm hơn vì còn ít phôi tốt, không đủ để nuôi cấy tiếp. Như vậy, trong 100 người ban đầu, chúng ta có 60 người có phôi blastocyst, nếu chuyển phôi một lần khoảng 1-2 phôi blastocyst, ta sẽ có tỉ lệ có thai khoảng 50-60% trên một lần chuyển phôi. Như vậy, sẽ có khoảng 40 người có thai và 20 người không có thai. Khoảng 10 người, trong số 20 người không có thai sau chuyển phôi blastocyst lần đầu có thể còn phôi dư để chuyển phôi tiếp. Sau đó, có thể có thêm 5 người nữa có thai. Như vậy, nếu 100 người nuôi cấy phôi blastocyst, chúng ta sẽ có khoảng 45 người có thai, tỉ lệ chung là 45%. Nhưng nếu tính tỉ lệ có thai sau 1 lần chuyển phôi, tỉ lệ có thai có thể lên đến 50-60%. Và người ta thường dùng con số này để quảng cáo cho chuyển phôi blastocyst có tỉ lệ có thai cao hơn.
 
Thực tế, 100 người ở độ tuổi khoảng 35 tuổi, đi làm IVF, thì cho dù nuôi cấy phôi giai đoạn nào thì tỉ lệ có thai cuối cùng sau khi chuyển hết phôi có được cũng vào khoảng 50%. Nếu nuôi cấy kéo dài thì số phôi còn lại ít hơn, nhưng tỉ lệ có thai khi chuyển phôi sẽ cao hơn vì số số phôi kém đã bị loại đi trong qua trình nuôi cấy. Bản thân việc nuôi cấy phôi dài ngày không làm phôi tốt hơn mà chỉ giúp loại đi các phôi yếu.
 

Nguyễn Thị Quỳnh Anh 
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa

theo ivfvietnam.net

 

Liên kết