SỰ THẬT VIỆC QUẢNG CÁO TỈ LỆ CÓ THAI CAO KHI LÀM IVF TẠI THÁI LAN (phần 2)

19/11/2015 15:26        
Gần đây, một số trung tâm ở Thái Lan còn quảng cáo kỹ thuật PGS để chọn lọc phôi không bị bất thường nhiễm sắc thể. Bản chất kỹ thuật này là lấy đi một số tế bào của phôi để làm xét nghiệm di truyền, nếu phôi bất thường sẽ loại đi, phôi có số nhiễm sắc thể bình thường sẽ được cấy vào tử cung. Kỹ thuật này giúp tiếp tục loại đi một số phôi nữa. Tỉ lệ phôi blastocyst bị loại sau khi làm PGS là gần 50%. Như vậy, nếu làm thêm kỹ thuật PGS, số người còn phôi để chuyển chỉ còn khoảng 45 người (từ 100 người ban đầu) và số phôi còn lại của mỗi người chỉ còn khoảng 1-2 phôi blastocyst (sau PGS). Tuy nhiên, vì đây là phôi blastocyst, đã kiểm tra số lượng nhiễm sắc thể, nên tỉ lệ có thai sau 1 lần chuyển phôi rất cao. Nếu chuyển từ 1-2 phôi, tỉ lệ có thai có thể lên tới 70-80%. Nếu dùng tỉ lệ này để quảng cáo tỉ lệ thành công khi có thai khi làm IVF thì càng “khủng” hơn. Trên thực tế, với cách làm này, 100 người đi làm IVF, sẽ có 45-50 người còn phôi để chuyển và gần 40 người sẽ có thai.

Các số liệu nghiên cứu cho thấy càng nuôi cấy phôi dài ngày thì tỉ lệ có thai cộng dồn cuối cùng cho một lần làm IVF càng giảm là do sức sống của phôi nói chung sẽ bị ảnh hưởng khi để trong môi trường nhân tạo bên ngoài cơ thể càng lâu. Một số phôi trung bình/yếu khi nuôi bên ngoài cơ thể có thể bị ngưng hay suy yếu, nhưng khi cấy vào tử cung có thể sống tốt hơn và phát triển thành thai.
 
Bên cạnh đó, phôi khi thực hiện kỹ thuật sinh thiết để làm PGS (đem phôi ra ngoài và lấy đi một số tế bào trong phôi) cũng có thể làm phôi suy yếu đi. Do đó, phôi vượt qua được quá trình nuôi cấy dài ngày trong môi trường nhân tạo và vẫn sống sau khi bị lấy đi một số tế bào, là phôi có sức sống tốt nên khả năng phát triển thành thai cao và ít sẩy thai hơn.
 
Ưu điểm của kỹ thuật nuôi cấy blastocyst và PGS là phụ nữ có thể có thai với số lần chuyển phôi ít hơn và ít bị sẩy thai hơn, do phôi được chọn lọc kỹ hơn. Nhược điểm là tỉ lệ có thai nói chung, sau khi chuyển hết phôi còn lại, thấp hơn và chi phí cao hơn rất nhiều. Do đó, phương pháp điều trị này sẽ phù hợp với người trẻ tuổi, có rất nhiều phôi tốt, đến được giai đoạn blastocyst, ít bị ngưng giữa chừng vì phôi kém; đồng thời có điều kiện về tài chính để nuôi phôi đến blastocyst và làm xét nghiệm di truyền phôi (PGS). Riêng chi phí cho sinh thiết các phôi và làm PGS có thể tương đương với một lần làm IVF.
 
Ở Việt Nam, Bộ Y tế chủ trương không phổ biến kỹ thuật PGS vì đây là kỹ thuật không phù hợp với đa số người Việt Nam do thật sự không làm tăng tỉ lệ có thai, trong khi lại quá đắt. Ngoài ra, một số người có thể lạm dụng kỹ thuật này để xác định giới tính của phôi. Trên thực tế, kỹ thuật PGS hiện nay cũng đã có ở Việt Nam, nhưng không phổ biến và không quảng cáo như Thái Lan được.
 
Ở Thái Lan, các trung tâm IVF ít được Bộ Y tế kiểm soát và áp lực cạnh tranh, lôi kéo bệnh nhân cao. Họ thường vi phạm pháp luật để làm các kỹ thuật bị cấm ở Thái (mang thai hộ, chọn lựa giới tính) hoặc quảng cáo quá mức, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người bệnh để trục lợi. Một số người Việt Nam hiện đang tiếp tay với các trung tâm IVF ở Thái để quảng cáo quá mức, lôi kéo bệnh nhân sang Thái Lan điều trị để nhận hoa hồng trên chi phí người bệnh phải trả.
 
Chi phí trung bình một lần IVF, cho đến khi chuyển hết số phôi có được ở Việt Nam là vào khoảng 70 triệu. Chi phí làm IVF ở Thái Lan cao hơn khoảng 3-4 lần, chi phí làm IVF kết hợp PGS cao hơn tổng cộng khoảng 6-7 lần, cộng thêm chi phí đi lại, ăn ở sẽ cao hơn làm IVF ở Việt Nam khoảng 8-10 lần. Tại các hội nghị khoa học torng khu vực, kết quả có thai và trình độ chuyên môn của IVF ở Việt Nam thường được đánh giá cao hơn Thái Lan.
 
Các cặp vợ chồng cần tìm hiểu và tham khảo kỹ các thông tin trước khi quyết định phù hợp. Không nên chỉ dựa vào thông tin của các “đại lý” ở Việt Nam hoặc một vài người điều trị thành công ở Thái Lan. Đa số những trường hợp thất bại thường không kể với bạn bè, người quen.


Nguyễn Thị Quỳnh Anh
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa

 
Theo ivfvietnam.net

 

Liên kết