NHẬN BIẾT HIỆN TƯỢNG ĐỘNG THAI VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

16/12/2015 15:10        
1. Nguyên nhân gây ra hiện tượng động thai
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến động thai như: Trứng đã thụ tinh bị teo lại; bệnh về máu; bệnh về tử cung (viêm nhiễm cổ tử cung, u tử cung, ung thư cổ tử cung, tử cung co rút khác thường); thai phụ bị suy nhược; làm việc quá sức, chế độ nghỉ ngơi không hợp lí, ăn uống thiếu dưỡng chất. Ngoài ra còn có thể do sự bất thường về nhiễm sắc thể và mẹ mắc một số bệnh như: sốt cao, suy tim, bệnh thận mạn tính, mất cân bằng nội tiết.

2. Cách nhận biết hiện tượng này
Khi thai phụ thấy cơ thể có các biểu hiện khác thường như : đau tức ở bụng dưới và mỏi ở vùng thắt lưng, có thể có ít dịch màu hồng nhạt hoặc vài giọt máu chảy ra ở âm đạo... thì bạn nên nghĩ đến hiện tượng động thai để phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

3. Phân biệt các dấu hiệu của doạ sảy thai (động thai) và sảy thai
- Dọa sẩy thai bạn sẽ thấy: ra máu âm đạo và đau bụng, nhưng thai nhi vẫn còn sống và chưa bị đẩy ra khỏi buồng tử cung. Cổ tử cung vẫn đóng kín, hoặc mở nhưng các thành phần của thai chưa bị tụt ra.

- Sẩy thai: Thai nhi đã chết và đang được đẩy ra ngoài. Có thể là sẩy thai hoàn toàn (toàn bộ thai nhi lẫn nhau thai cùng bị tống ra một lúc, sau đó hết đau quặn bụng, nhưng máu vẫn có thể tiếp tục rỉ ra như kinh nguyệt), sẩy thai không hoàn toàn (một phần của thai và nhau thai vẫn còn trong tử cung; tuy đã bớt đau quặn bụng nhưng máu âm đạo vẫn chảy liên tục, thậm chí băng huyết).

4. Nên làm gì khi bị động thai?
- Nếu thấy các dấu hiệu trên, thai phụ phải nằm nghỉ ngơi và uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

- Tuyệt đối không được an thai một cách bữa bãi.

- Khi đau, tránh xoa bóp bụng.

- Tuyệt đối không quan hệ vợ chồng. Đồng thời, han chế việc kiểm tra âm đạo để tránh những kích thích cổ tử cung.

- Khi bị động thai, bạn cũng cần lưu ý thêm tới chế độ ăn uống. Ăn các loại thức ăn dễ tiêu hoá, ít dầu mỡ, chú ý đến việc kết hợp giữa rau xanh, hoa quả và tinh bột, không được ăn những loại có chất kích thích, nghiêm cấm hút thuốc lá, uống rượu, bia.
    
5  Để phòng, tránh động thai
- Luôn giữ cho tư tưởng, tâm lí thực sự thoải mái. Tránh căng thẳng, stress quá nhiều.

- Ăn uống đủ dưỡng chất, nhất là các chất đạm (như thịt, cá, trứng, sữa, đậu), hoa quả, rau tươi... trong suốt quá trình mang thai. Nghỉ ngơi hợp lí, không thức quá khuya.

- Tránh lao động nặng và giao hợp nhiều trong những tháng đầu và tháng cuối của thai kỳ.

- Luyện tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường sức khoẻ.

- Không hút thuốc lá và uống các đồ uống không tốt cho sự phát triển của thai như: bia, rượu, cafe…

- Khám thai định kì là giải pháp hữu hiệu nhất để theo dõi sức khoẻ của mẹ và bé.


Trần Thị Thanh Toàn
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa


Theo nguồn “Theo Cẩm nang gia đình”

 

Liên kết