Mẹ cần đảm bảo bữa ăn của bé đủ 4 nhóm thực phẩm: Nhóm tinh bột (gạo, mì, khoai, bắp); nhóm chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng…); nhóm chất béo (dầu, mỡ) và nhóm giàu vitamin, khoáng và chất xơ: các loại rau xanh, hoa quả… Chế biến các món ăn phải đa dạng, hợp khẩu vị và đổi món mỗi ngày với màu sắc phong phú, hấp dẫn tự nhiên để đảm bảo dinh dưỡng đồng thời tạo vị ngon lạ cho bé không chán ngán. Thức ăn chế biến phải phù hợp với độ tuổi của bé, không cho bé ăn cơm sớm. Khi bé đủ 24 tháng mới tập cho bé ăn cơm.
Thêm vào đó, mẹ nên cho thêm dầu mỡ vào chén bột, cháo hoặc nước canh, rau xào… để tăng thêm năng lượng, cũng như giúp hấp thu hiệu quả các vitamin tan trong dầu. Hơn nữa, mẹ cần đảm bảo cho bé ăn chín, uống sôi và nên cho bé ăn ngay khi vừa mới nấu, không dùng thức ăn đã hâm đi hâm lại nhiều lần hay để qua đêm.
Cách chăm bé suy dinh dưỡng về đời sống và tinh thần
+ Vệ sinh môi trường sống
Nếu phải sống trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí, gần các mầm bệnh…, sức khỏe bé yếu đi, chán ăn, khó chịu, hay quấy khóc. Từ đó dễ dàng sinh bệnh và càng làm bé kém hấp thu. Vì vậy, hãy bảo đảm bé được ăn, ngủ, vui chơi nơi thoáng mát, sáng sủa sạch sẽ. Lưu ý là đồ dùng, đồ chơi của bé cũng cần sạch sẽ, khô ráo.
+ Vệ sinh cá nhân
Hãy tắm rửa thường xuyên cho bé bị suy dinh dưỡng bằng nước sạch. Khi thời tiết thay đổi, phải cho bé mặc quần áo sao cho phù hợp, tránh cho bé mặc quá nóng, gây mất nước, hay quá lạnh gây viêm đường hô hấp. Khi trời lạnh, cần giữ ấm cho bé, tránh gió lùa để phòng chống nhiễm lạnh, viêm đường hô hấp. Quần áo, đầu tóc bé phải luôn sạch sẽ gọn gàng. Mẹ hãy rèn bé có thói quen giữ gìn răng miệng sạch sẽ, không ăn nhiều đồ ngọt để tránh các bệnh sâu răng, viêm lợi. Bên cạnh đó, mẹ nhớ tạo thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, cắt móng tay cho bé. Không để bé lê la dưới đất bẩn, mút tay, quệt tay bẩn lên mặt hay đưa đồ vật, đồ chơi bẩn lên miệng để tránh các bệnh giun sán.
+ Tâm lý
Tâm lý cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bé. Vì vậy, khi bé không chịu ăn hay ăn ít, bố mẹ đừng la mắng làm bé hoảng sợ, hành động đó sẽ phản tác dụng, làm bé có ác cảm và càng không muốn ăn. Thậm chí ngay cả khi bé cố nuốt thì cơ thể cũng rất khó hấp thụ. Khi dỗ bé ăn, bố mẹ nên tạo không khí thật vui tươi, tích cực. Đó là lý do vì sao những bé vui tươi thường hay ăn và chóng lớn hơn.
+ Phơi nắng
Cho bé tắm nắng mỗi sáng lúc 7-8 giờ, mỗi lần 15-20 phút (Lúc đầu 3-5 phút, sau đó tăng dần lên) để giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, tăng cường hấp thu canxi cho cơ thể.
+ Tẩy giun
Các bé thường đùa nghịch, cầm nắm thậm chí cho vào miệng bất cứ thứ gì trên tay. Vì vậy, mẹ nên tẩy giun cho bé theo đúng định kỳ như chỉ dẫn của bác sĩ tùy vào độ tuổi để tránh nhiễm giun cho bé.
+ Tiêm ngừa
Mẹ nhớ tiêm ngừa đầy đủ cho bé theo khuyến cáo của Bộ Y Tế. Việc tiêm ngừa đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh sẽ giúp bé khỏe mạnh hơn, tăng đề kháng, từ đó góp phần chống lại suy dinh dưỡng.
+ Vận động
Khi suy dinh dưỡng, cơ thể bé sẽ yếu đi, lười vận động, kém linh hoạt. Do đó, bố mẹ càng nên khuyến khích bé vận động để giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động hiệu quả, tăng cường miễn dịch, thúc đẩy tăng chiều cao, tăng cường đốt cháy năng lượng và kích thích bé thèm ăn, ăn ngon miệng hơn và đẩy lùi suy dinh dưỡng.
Phạm Huỳnh Thúy Ngân: Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa.
Nguồn: vinamilk.om