Ở tuổi dậy thì, trẻ dường như trở thành một con người mới cả về dáng vóc và tâm tính. Vì mải chú tâm làm thế nào để nắm bắt tâm lý con trẻ, nhiều phụ huynh đôi khi quên rằng dậy thì còn là thời kỳ của sự hoàn thiện cơ thể. Sự thiếu hụt bất kỳ thành phần dinh dưỡng nào cũng có thể khiến trẻ mất đi cơ hội đạt được chiều cao và sự phát triển thể chất tốt nhất.
Chế dộ dinh dưỡng cho tuổi dậy thì không chỉ cần đáp ứng 2.200 - 2.400 kcal năng lượng mỗi ngày, mà còn phải bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển. Trong đó, 5 loại dưỡng chất sau là những thành phần có vai trò đặc biệt quan trọng:
- Đạm: tuổi dậy thì là giai đoạn cơ bắp có sự phát triển mạnh mẽ nên lượng đạm cần thiết chiếm đến 14 - 15% tổng số năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ.
- Canxi: giúp xương chắc khỏe và độ đậm xương đạt mức tối đa. Nhờ đó, trẻ tăng trưởng tốt về chiều cao, phòng được bệnh loãng xương sau này. Mỗi ngày, trẻ cần 1.000 - 1.200 mg canxi.
- Sắt: cùng với đạm, sắt là thành phần hỗ trợ cơ bắp, đồng thời sắt còn giữ vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu. Các anh chàng đang tuổi lớn cần 12 - 18 mg sắt một ngày và những cô gái do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt đến 20 mg một ngày.
- Vitamin nhóm B: các Vitamin nhóm B là yếu tố làm gia tăng khả năng phân chia và phát triển của tế bào trong cơ thể. Đặc biệt, khi các vitamin này kết hợp với nhau sẽ giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, phát triển hệ thần kinh, duy trì quá trình trao đổi chất.
- Kẽm: đặc điểm quan trọng của giai đoạn dậy thì đó là sự hoàn thiện của cơ quan sinh sản. Kẽm chính là khoáng chất thiết yếu có sự phát triển này. Trong giai đoạn dậy thì, cơ thể trẻ cần khoảng 15 mg kẽm một ngày.
Ở độ tuổi này, chịu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, nhất là bạn bè, trẻ thường có xu hướng chọn những thức ăn nhanh - gọn - tiện lợi thay cho những bữa ăn đầy đủ các thành phần dinh dưỡng. Bên cạnh đó, không ít cô nàng còn thực hiện các chế độ ăn kiêng nghèo dưỡng chất với mong muốn có được cơ thể mảnh mai. Chính vì những đặc điểm trên, phụ huynh cần đặc biệt chú ý nhiều hơn đến thành phần dinh dưỡng trong thực đơn mỗi ngày của trẻ, tránh tình trạng mất cân bằng, tác động tiêu cực đến sự hoàn thiện thể chất.
Ngoài ra, một lựa chọn theo xu hướng mới, nhiều phụ huynh lựa chọn kết hợp thực đơn của trẻ với các loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng có nguồn gốc từ các loại thực vật. Thực vật được trồng trên các trang trại hữu cơ, thành phẩm được sản xuất dưới dạng bột khô và viên nén tiện lợi, các loạị thực phẩm bổ sung này không chỉ đáp được ứng xu hướng nhanh - gọn trong thói quen của trẻ, mà còn là cách hiệu quả để bổ sung đầy đủ dưỡng chất giúp trẻ có được sự phát triển toàn diện.
Nguyễn Thảo Miên:Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa.
Theo nguồn: giadinh.vnexprees