Các nguyên nhân gây nên táo bón ở bà bầu như sau:
- Thủ phạm chính là hormon thai kỳ progesteron, gây dãn và làm giảm hoạt động của nhu động ruột.
- Khi mới mang thai, dấu hiệu bị nôn do nghén có khả năng khiến cơ thể người mẹ bị mất nước. Tình trạng nghén cũng làm mẹ bầu mệt mỏi, lười đi lại, vận động.
- Do chế độ ăn uống: Chế độ ăn không cân đối, thiếu chất xơ, uống ít nước, uống rượu, bia, …. Ở thời kỳ đầu và cuối của thai kỳ thai phụ thường bị kích thích đi tiểu nhiều về ban đêm, nên nhiều thai phụ ngại uống nước nên càng dễ bị táo bón.
- Tử cung ở thai phụ tăng kích thước chèn ép các cơ quan trong ổ bụng dẫn đến các bà bầu dễ bị cả táo bón và bệnh trĩ. Ngoài ra, sự lớn lên của thai nhi cũng làm gia tăng áp lực lên khung xương chậu, làm tình trạng táo bón gia tăng. Cộng thêm với việc tăng cân nhanh, cảm giác mệt mỏi, thiếu luyện tập là những nguyên nhân rất dễ dẫn đến táo bón.
- Do uống viên sắt và canxi bổ xung: Một số loại viên sắt bổ sung cũng có thể làm tình trạng táo bón thêm trầm trọng. Thường chứng táo bón xảy ra ở khoảng tháng thứ 4, thứ 5 của thai kỳ. Để hấp thụ những khoáng chất này cơ thể cần một lượng lớn nước, tuy nhiên không phải bà bầu nào cũng uống đủ, hơn nữa một phần các khoáng chất này không hấp thụ được vào cơ thể phải ra ngoài là gánh nặng của hệ tiêu hóa, làm gia tăng nguy cơ bị táo bón.
Tác hại
- Bị táo bón khi mang thai khiến người mẹ dễ thiếu hụt chất dinh dưỡng. Đó là do phân và khí đọng lại trong ruột (không bài tiết qua hậu môn được) làm đầy bụng, khó chịu, buồn nôn… Từ đó, mẹ bầu không muốn ăn vì ăn vào càng thấy tức bụng, khó chịu dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai.
- Thậm chí, táo bón làm phân rắn, khi đại tiện mẹ bầu phải dùng lực nên dễ sảy thai.
- Hơn nữa, khi phân tồn trữ lâu ngày, các chất độc (như phenol, amoniac, indol… trong phân) bị tích tụ lâu trong ruột, rồi bị hấp thu vào máu và lan truyền khắp cơ thể, dẫn tới tình trạng nhiễm độc mãn tính, ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của thai nhi.
Ngăn ngừa như thế nào?
- Uống nhiều nước: Nước chính là “một loại thuốc nhuận tràng” cực kì thích hợp cho thai phụ.
- Dinh dưỡng: Một chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ sẽ cung cấp nhiều thức ăn thô cho hệ tiêu hoá. Ngoài ra, mẹ bầu cần lưu ý ăn chậm, nhai thật kĩ khi ăn và nên chia nhỏ thành 5-6 bữa / ngày thay vì 3 bữa lớn / ngày.
- Tránh uống các loại đồ uống lợi tiểu như trà, cà phê, cola và chất cồn vì nó có thể gây ra tình trạng khử nước của cơ thể, làm chứng táo bón thêm nặng.
- Luyện tập: Vận động tích cực cũng giúp ngăn ngừa táo bón, tăng cường sức khoẻ toàn thân, đặc biệt là khi tính chất công việc của bạn phải ngồi nhiều. Đi bộ, bơi lội hay tập luyện dưới nước, đạp xe hay các bài tập dành cho bà bầu khác đều rất hữu ích. Một số động tác yoga dành cho bà bầu cũng hỗ trợ hiệu quả trong việc ngừa chứng táo bón.
- Không cố nhịn khi muốn đi vệ sinh: Khi nhịn đi vệ sinh, người mẹ sẽ làm tăng nguy cơ bị “táo” (do ruột sẽ hấp thu nước từ phân) và cũng tăng nguy cơ bị trĩ.
- Massage nhẹ nhàng: Massage đem lại nhiều lợi ích cho bà bầu. Massage giúp lưu thông khí huyết, tăng cường tiêu hóa, giảm táo bón.
- Tuyệt đối không tự dùng thuốc: Việc dùng thuốc tùy tiện có thể ảnh hưởng xấu tới cả người mẹ và thai nhi. Hãy thận trọng và cân nhắc xem có nên sử dụng thuốc điều trị táo bón không và phải tham khảo ý kiến bác sĩ và dược sĩ trước.
- Đối với một số người, viên sắt có thể gây khó chịu ở dạ dày, nóng ngực và chứng táo bón. Để chống táo bón bạn nên chọn thuốc chứa sắt dưới dạng sắt hữu cơ như sắt fumarat hay sắt gluconat, vì sắt hữu cơ sẽ được cơ thể hấp thụ tốt hơn sắt vô cơ (sắt sunfat) và giảm được tác dụng phụ như kích ứng đường tiêu hóa hay táo bón. Thêm vào đó một số thai phụ khi uống sắt còn có cảm giác lợm giọng, buồn nôn, rất khó uống do mùi vị khó chịu.
Người sưu tầm : Phan Thị Lê Na
Khoa: Dược Cận Lâm Sàng.
TT Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Khánh Hòa
Nguồn: Cẩm nang bà bầu_viên sắt uniferon