NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH PHỤ KHOA KHI MANG THAI

08/03/2018 15:20        
Viêm phụ khoa là vấn đề hầu như chị em phụ nữ nào cũng đều mắc phải ít nhất một lần trong đời. Bệnh khiến bạn cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, thậm chí có mùi hôi ở vùng kín. Nếu để lâu ngày, bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng dễ bị các bệnh phụ khoa tấn công nhất bởi sự tăng đột biến hormone trong thời kỳ mang thai sẽ khiến “cô bé” của mẹ nhạy cảm hơn với một loạt các bệnh nhiễm trùng và gây ngứa.

Bên cạnh đó, cấu trúc cổ tử cung mở rộng trong thời gian mang thai làm vi khuẩn và mầm bệnh dễ dàng xâm nhập vào bên trong cơ quan sinh sản gây bệnh phụ khoa.

Đồng thời, khi mang thai lượng estrogen tăng cao, kích thước thai nhi ngày càng lớn chèn ép vùng chậu khiến khí hư tiết ra nhiều hơn bình thường. Nếu thai phụ không vệ sinh vùng kín sạch sẽ và thường xuyên sẽ dễ bị bệnh viêm phụ khoa.

1.Viêm âm đạo ảnh hưởng gì đến thai nhi?
Các mẹ bầu cần biết rằng việc bị  viêm âm đạo trong thời gian mang thai có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với thai nhi. Theo các bác sĩ chuyên khoa, dù bệnh phụ khoa không thể lây cho em bé trong suốt thai kỳ, nhưng khi mẹ trở dạ sinh con, bé sẽ đi qua cổ tử cung và âm đạo thì rất dễ bị nhiễm vi khuẩn và nấm từ mẹ. Chính vì thế các bé sinh ra với phương pháp đẻ thường sẽ dễ bị lây nhiễm bệnh phụ khoa từ mẹ hơn so với bé sinh mổ.
Người mẹ bị nấm âm đạo có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi, gây dị tật thai, sức đề kháng của thai yếu, dễ sinh non... Bé sinh ra bị viêm nhiễm phụ khoa có dấu hiệu điển hình là tưa miệng, suy dinh dưỡng. Các mẹ thường cho rằng con bị tưa miệng là do bú sữa mẹ nhưng trên thực tế thì trẻ bị nhiễm nấm trong quá trình sinh.

2. Dấu hiệu bị viêm âm đạo khi mang thai
Bà bầu bị viêm âm đạo thường có những biểu hiện như:
+ Có cảm giác ngứa, đau nhức, nóng rát ở vùng kín;
+ Da và môi âm hộ sưng;
+ Dịch tiết ở âm đạo cũng chuyển từ màu trắng sữa sang màu vàng, xanh hoặc nâu, đôi khi có bọt;
+ Dịch âm đạo có mùi hôi; nhiều, có màu trắng đục;
+ Có cảm giác âm đạo luôn ẩm ướt, khó chịu;
+ Đau khi quan hệ tình dục;

3. Chữa bệnh phụ khoa cho phụ nữ mang thai
Để chữa bệnh phụ khoa, từ xưa đến nay, dân gian lưu truyền rất nhiều bài thuốc hay, điển hình như cách dùng lá trầu không, lá ổi, trà xanh... Tuy nhiên, với bà bầu, mọi người không nên tự ý áp dụng những cách thức đó vì nếu không cẩn thận sẽ khiến tình trạng viêm nhiễm thêm nặng hơn.

Đối với phụ nữ có thai, việc chữa bất kỳ bệnh gì đều cần phải đặc biệt chú ý hơn bởi không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ mà còn của thai nhi. Chính vì thế bà bầu cũng không nên tự sử dụng thuốc kháng nấm khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì các triệu chứng đó có thể giống với một căn bệnh khác cũng lây lan qua đường tình dục.
Tốt nhất, để đảm bảo sức khỏe, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường về vùng kín, mẹ bầu nên đến ngay các phòng khám phụ khoa. Hãy mô tả thật chính xác tình trạng của mình để bác sĩ tư vấn và có cách chữa trị phù hợp, hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, chị em nên vệ sinh vùng kín đúng cách, tránh dùng các dung dịch vệ sinh nặng mùi và có chất tẩy rửa mạnh, mặc quần thông thoáng, tránh chất liệu nilon… giặt đồ lót riêng và phơi ngoài nắng để diệt vi khuẩn. Thai phụ có thể ăn thêm sữa chua không đường mỗi ngày để cân bằng độ pH âm đạo và hỗ trợ trị bệnh hiệu quả hơn.

Với những bà bầu bị nhiễm nấm âm đạo nên  giữ cho vùng kín sạch sẽ, khô và tốt nhất không nên mặc quần lót khi đi ngủ để tăng cường lưu thông không khí giúp vùng nhiễm nấm khô, thoáng.

Huỳnh Thị Lệ Xuân: Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa 
Nguồn sưu tầm eva.vn

 

Liên kết