SỨC KHỎE TINH THẦN CỦA TRẺ VTN

27/08/2015 16:19        
MỘT SỐ LỜI KHUYÊN CHO CHA MẸ
Nói chuyện với con thường xuyên, cởi mở và chân thành:
Con của bạn cần biết rằng không chỉ chúng có quyền nói chuyện với cha mẹ về bất cứ vấn đề gì mà chính bạn cũng cần phải chủ động đề cập đến những vấn đề quan tâm và hãy hết sức cởi mở với con. Hãy nói về những kinh nghiệm của bản thân, kể về những lo sợ của mình khi còn là một cô bé hay cậu bé ở tuổi vị thành niên giống con. Hãy để cho con biết là con không hề đơn độc và cũng không lo ngại rằng những lo lắng của con là duy nhất.

Hãy hiểu rằng những rối loạn về sức khỏe tinh thần là hoàn toàn có thể điều trị được

Tự trang bị cho mình những thông tin về các chứng rối loạn sức khỏe tinh thần đối với lứa tuổi vị thành niên. Các bậc cha mẹ có thể tìm gặp các chuyên gia về nhi khoa, tâm lý, đến các cơ sở y tế của địa phương hoặc giáo viên ở trường của con để tìm hiểu về những kiến thức này.

Hãy chú ý tới hành vi của con. Tuổi vị thành niên tất nhiên là một giai đoạn chuyển giao và thay đổi, nhưng nếu thấy có những thay quá tột ngột, bất bình thường và bất lợi về mặt hành vi thì đó có thể là những dấu hiệu cho thấy sức khỏe tinh thần có vấn đề nghiêm trọng.

Hãy chú ý tới những dấu hiệu sau:
Trẻ ngủ quá nhiều, quá mệt mỏi so với sự mệt mỏi thông thường ở tuổi teen. Đây có thể là dấu hiệu của trầm cảm hoặc lạm dụng thuốc kích thích. Trẻ khó ngủ hoặc mất ngủ hay có những dấu hiệu rối loạn giấc ngủ.
Mất lòng tự trọng
Quá ham thích hoặc là không còn thích thú gì với các trò tiêu khiên trước đây
Tụt dốc nhanh về học tập ngoài sức tưởng tượng
Tụt cân và ăn không ngon miệng. Đây có thể là dấu hiệu của rối loạn ăn uống.
Thay đổi tính cách chẳng hạn như hung hăng và hay tức giận thái quá khác với bản tính thường ngày. Đây có thể là dấu hiệu của những vấn đề về tâm lý, sử dụng ma túy hoặc vấn đề về giới tính.

 MỘT SỐ VẤN ĐỀ SỨC KHỎE TINH THẦN CỦA TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
Trầm cảm
Ai trong chúng ta đều có lúc cảm thấy buồn chán, tuy nhiên bệnh trầm cảm lại là một chứng bệnh nguy hiểm cần phải được điều trị kịp thời. Hãy lưu ý những đặc điểm sau:
Thay đổi về cách ngủ
Khóc bất ngờ và buồn bã quá mức
Thói quen ăn uống làm giảm hoặc tăng cân rõ ràng
Có biểu hiện của sự tuyệt vọng hay cảm thấy mình là vô dụng
Hoang tưởng hoặc là kín đáo một cách quá mức
Tự làm tổn thương hoặc là nói đến việc tự làm đau mình
Bị những ám ảnh bởi những lo sợ về hình dáng cơ thể
Sống quá tách biệt
Bị bạn bè hay các nhóm xã hội bỏ rơi

Rối loạn ăn uống
Những lo lắng về dáng vóc cơ thể có thể trở thành những ám ảnh gây nên giảm cân quá nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ vị thành niên:
Biếng ăn: tránh thức ăn và thay đổi đáng kể thói quen ăn uống là những dấu hiệu rất đáng lo ngại.
Háu ăn: tháo thức ăn ra sau ăn (tự ọe thức ăn ra) – cần cảnh giác với tình trạng giảm cân quá nhanh mà không hề có sự thay đổi nào về thói quen ăn uống (cần  phải có tư vấn của bác sĩ) hay tình trạng cứ ăn xong là vào nhà vệ sinh.

Lạm dụng thuốc
Trẻ vị thành niên có thể lạm dụng các chất kích thích như rượu, ma túy, thuốc lắc và các loại thuốc trị bệnh như mất ngủ, giảm cân, trị mụn trứng cá, ho, cảm lạnh v.v…
Cha mẹ nên chú ý đến các biểu hiện của trẻ khi lạm dụng các chất kích thích như trẻ sử dụng các công cụ chích hút, các vết tích trên cơ thể, nói năng lắp bắp  v.v…
Cha mẹ đặc biệt cần chú ý đến các thói quen hàng ngày của trẻ để kịp thời nhận ra những thay đổi và có sự điều chỉnh sớm khi cần thiết.
Khi thấy lo lắng cha mẹ nên hỏi các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ để được đánh giá đúng và tư vấn cách trị liệu. 

Nguyễn Thảo Miên  
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa


(Thùy Anh biên tập từ Healthy Children Magazine)

 

Liên kết