Khuyến nghị hàm lượng natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam

05/04/2024 15:38        

Khuyến nghị hàm lượng natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam

1. Natri và muối ăn:

 Muối ăn là gia vị quen thuộc của người Việt Nam cũng như trên thế giới, được mọi người sử dụng như một thứ gia vị thêm vào thức ăn hoặc để chế biến, bảo quản thực phẩm. Natri và clorua là hai nguyên tố chính cấu thành nên muối, trọng lượng natri chiếm khoảng 40% trọng lượng của muối. Trong cơ thể người, natri đóng vai trò quan trọng để điều chỉnh và duy trì cân bằng dịch thể, cân bằng axít - bazơ, dẫn truyền tín hiệu thần kinh - cơ, hỗ trợ hấp thụ các chất dinh dưỡng và bảo đảm chức năng bình thường của tế bào. Mặc dù natri rất cần thiết đối với cơ thể nhưng rất ít khi bị thiếu mà nguy cơ thường bị tiêu thụ quá nhiều so với nhu cầu cơ thể và gây tác hại đối với sức khỏe. Do natri có chủ yếu từ muối và là yếu tố gây hại cho sức khỏe nếu ăn thừa, nên để giúp thuận tiện trong việc chuyển đổi lượng natri sang lượng muối và ngược lại, áp dụng công thức chuyển đổi như sau: Ngoài muối, natri còn có nhiều trong nước mắm, nước tương, bột canh, hạt nêm, mì chính (bột ngọt), thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghiệp. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 2.000mg natri/ngày (tương đương với 5g muối/người/ngày). Điều tra năm 2015 cho thấy trung bình một người trưởng thành Việt Nam tiêu thụ 3.760 mg natri/ngày (tương đương với 9,4g muối/ngày) [2], nhiều gấp khoảng 2 lần so với khuyến cáo. Lượng muối (g) = Lượng natri (mg) x 2,5 : 1000 Lượng natri (mg) = Lượng muối (g) x 400 5g muối chứa 2g (hoặc 2.000mg) natri 1.200mg natri tương đương với 3g muối.

2. Tác hại của ăn thừa natri:

Ăn thừa natri là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ (như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim); làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và những rối loạn sức khỏe khác.

- Ăn thừa natri làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng, tăng nguy cơ ung thư dạ dày do phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori.

- Ăn thừa natri gây béo phì vì liên quan đến tăng tiêu thụ nước ngọt có đường. Khi ăn thừa natri sẽ làm tăng cảm giác khát và để giảm cảm giác khát mọi người thường có xu hướng uống nhiều nước ngọt có đường, nhất là trẻ em, từ đó làm tăng cân.

- Ở trẻ em, ăn thừa natri còn gây tác hại nghiêm trọng hơn vì bệnh không lây nhiễm ngày càng có xu hướng trẻ hóa và tiến triển tăng lên, gây tổn hại sức khỏe và chất lượng cuộc sống tương lai của các em .

Tóm lại, ăn thừa natri gây ra rất nhiều tác hại, do đó giảm natri theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (< 2.000 mg natri/ngày tương đương 5g muối/ngày) là một mục tiêu quan trọng nhằm nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh không lây nhiễm cho tất cả mọi người.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ bệnh không lây nhiễm là do mặt trái của đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa ... dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng trong lối sống và chế độ ăn uống của người dân. Những thay đổi bao gồm sự chuyển đổi từ thực phẩm truyền thống sang thực phẩm chế biến nhiều chất béo, muối, đường. Theo kết quả nghiên cứu STEPs năm 2015 tại Việt Nam, mức tiêu thụ muối trung bình là 9,4g muối/người/ngày gần gấp 2 lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là không nên ăn quá 5g muối/ngày. Bên cạnh đó, hiểu biết về tác hại do ăn thừa muối và thực hành ăn giảm muối của người dân ở cộng đồng còn rất hạn chế.

Nghiên cứu cũng cho thấy xu hướng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, bao gói sẵn của người dân Việt Nam ngày càng tăng cao, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên.

Một trong những thách thức lớn về vấn đề sức khỏe là xác định các phương pháp nhằm giúp người tiêu dùng đưa ra lựa chọn thực phẩm phù hợp. 

Năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến nghị sử dụng nhãn thông tin dinh dưỡng như một chiến lược để hỗ trợ công chúng lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn. Ghi thông tin hàm lượng muối trên nhãn dinh dưỡng của thực phẩm giúp người dân biết để lựa chọn sử dụng thực phẩm ít muối, có lợi cho sức khỏe hơn. Bên cạnh đó, việc đưa ra các khuyến cáo hàm lượng muối tối đa trong 100g thực phẩm là hết sức cần thiết nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất áp dụng các biện pháp giảm muối trong công thức chế biến, thay thế muối natri bằng gia vị khác trong thực phẩm góp phần cung cấp cho cộng đồng sản phẩm thực phẩm ít muối hơn. Một trong các hoạt động nhằm nỗ lực kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới đã ban hành Khuyến nghị toàn cầu về ngưỡng Natri cho các loại thực phẩm.

Khuyến nghị “Hàm lượng Natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam” được xây dựng dựa trên cơ sở Khuyến nghị toàn cần của Tổ chức Y tế thế giới và phù hợp với thực tế xu hướng tiêu thụ thực phẩm tại Việt Nam. Tài liệu dùng để khuyến nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm áp dụng để sản xuất các thực phẩm giảm Natri nhằm cung cấp đến người dân, cộng đồng các sản phẩm thực phẩm tốt hơn cho sức khỏe, Bên cạnh đó, Khuyến nghị cũng nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn, sử dụng các thực phẩm có hàm lượng Natri thấp hơn, góp phần nâng cao sức khỏe, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

Khuyến nghị hàm lượng natri dùng để khuyến nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm áp dụng để sản xuất các thực phẩm giảm natri nhằm cung cấp đến người dân các sản phẩm thực phẩm tốt hơn cho sức khỏe và để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng các thực phẩm giảm natri góp phần nâng cao sức khỏe, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

Xem bản Khuyến nghị “Hàm lượng Natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam”   tại địa chỉ https://drive.google.com/file/d/1j-kcDEemt-F2ytbFol-cE_nb6bYaymEL/view?usp=drive_link

 

 

 

 

Liên kết