CN. Trần Nguyễn Hồng Huệ
Khoa Dược - Cận lâm sàng
Nguyên nhân thiếu máu:
Thiếu máu có thể xảy ra bất kì lúc nào trong cuộc đời mỗi người và rất thường gặp khi mang thai.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ mang thai được coi là thiếu máu khi hàm lượng Hemoglobin (Hb) trong máu thấp <11g/dl.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây thiếu máu nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai là thiếu máu thiếu sắt. Đây là tình trạng cơ thể không có đủ lượng sắt cần thiết để tạo Hemoglobin – một protein quan trọng của hồng cầu.
Khi mang thai, nhu cầu sắt của cơ thể cần nhiều hơn để cung cấp cho thai nên tình trạng thiếu máu thiếu sắt càng phổ biến. Thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy lượng sắt và acid folic trong khẩu phần ăn của phụ nữ mang thai nhiều địa phương chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu khuyến nghị. Ngoài ra, phụ nữ bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu nhiều hơn.
Thiếu máu không chỉ ảnh hưởng không tốt đến thai phụ mà còn gây ra nhiều hậu quả xấu cho trẻ sau này. Chính vì vậy việc duy trì hemoglobin trong giới hạn bình thường là rất quan trọng.
Do đó việc khám thai định kì và xét nghiệm máu trong quá trình khám thai là điều hết sức cần thiết.
Hậu quả của tình trạng thiếu máu trong thai kỳ:
Thiếu máu ở phụ nữ mang thai gây nên tình trạng thiếu ôxy ở các tổ chức, đặc biệt ở một số cơ quan như tim, não...có thể gây những hậu quả nặng nề cho mẹ và con.
Đối với mẹ: dễ sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản.
Đối với con: nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, dễ mắc bệnh sơ sinh hơn so với trẻ không thiếu máu. Con của những bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm của thai kỳ có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác.
Vì vậy, các bác sĩ đã coi thiếu máu, thiếu sắt trong thời kỳ thai nghén là một đe dọa sản khoa.
Chế độ dinh dưỡng để giảm nguy cơ thiếu máu thiếu sắt
Để đảm bảo sức khỏe thai kỳ và nhu cầu phát triển của thai nhi, WHO khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên bổ sung 30 –60 mg sắt nguyên tố cho cơ thể mỗi ngày.
Theo Hướng dẫn Quốc gia về dịch vụ sức khỏe sinh sản, chế độ ăn khi có thai được áp dụng như sau:
- Lượng tăng ít nhất 1/4 (tăng số bữa ăn và số lượng cơm, thức ăn trong mỗi bữa).
- Tăng chất: Đảm bảo cho sự phát triển của mẹ và con (thịt, cá, tôm, sữa, trứng, đậu lạc, vừng, dầu ăn, rau quả tươi).
- Sắt có nhiều trong thịt bò, cá, gan, lòng đỏ trứng, đậu đỗ, rau xanh...
- Sắt từ thức ăn nguồn gốc động vật sẽ hấp thu tốt hơn sắt từ nguồn gốc thực vật.
- Trứng gà là nguồn thực phẩm dồi dào chất dinh dưỡng như protein, can xi, photpho, sắt, chất khoáng và nhiều vitamin có lợi cho sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của thai phụ. Đặc biệt hầu như các chất dinh dưỡng trong quả trứng gà đều tập trung ở lòng đỏ. Mỗi tuần mẹ bầu có thể ăn từ 3-4 quả trứng gà.
- Ngoài việc lựa chọn các thực phẩm giàu chất sắt từ nguồn thức ăn động vật, còn cần phối hợp với các loại trái cây tươi giàu vitamin C sau bữa ăn như: cam, bưởi, thanh long, táo... sẽ giúp hấp thu sắt tốt hơn.
Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Khánh Hòa là đơn vị y tế được các chị em và các gia đình trẻ tin tưởng khi đến chăm sóc sức khỏe sinh sản. Với đội ngũ Y bác sĩ chuyên khoa sâu, tận tụy và trang thiết bị hiện đại, Trung tâm cung cấp các dịch vụ khám tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và khám thai chất lượng cao.
Hãy liên hệ số điện thoại chăm sóc khách hàng ( 0815 998 008) để được hướng dẫn chi tiết./.