Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Thị giác Thế giới 10/10/2024

27/09/2024 08:05        

Glocom hay còn gọi là bệnh tăng nhãn áp, là một nhóm bệnh lý gây tổn hại thần kinh thị giác qua cơ chế làm tăng áp lực (nhãn áp) trong mắt. Bệnh nếu không được điều trị hoặc không được kiểm soát, dần trở nặng sẽ gây mất thị lực ngoại vi và dẫn đến mù lòa. 

Đây là nguyên nhân gây mù lòa đứng hàng thứ hai trên toàn thế giới sau đục thủy tinh thể.
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Glocom bao gồm: người trên 40 tuổi; người có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch; người mắc tật khúc xạ như cận viễn thị cao, lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh; người sử dụng thuốc có chứa corticoid trong thời gian dài, người có tiền sử chấn thương ở mắt, người có tiền sử gia đình mắc bệnh tăng nhãn áp.


Tuần lễ Glocom Thế giới năm nay (từ 10 – 16/03/2024) với chủ đề “Đoàn kết vì một thế giới không có bệnh Glocom” nhằm mục đích kêu gọi, đoàn kết các cộng đồng trên toàn thế giới lại với nhau để chiến đấu chống lại bệnh Glocom, giảm thiểu tình trạng mất thị lực do căn bệnh này gây ra.
Mặc dù đây là một bệnh lý nguy hiểm nhưng thường diễn ra vô cùng âm thầm. Đa số người bệnh tới thăm khám tại các cơ sở y tế ở tình trạng đã xuất hiện những cơn đau nhức hoặc khi thị lực đã suy giảm trầm trọng. Ở giai đoạn muộn, việc điều trị bệnh chỉ còn mang tính kiểm soát đau, ít khả năng có thể phục hồi thị lực. Do đó, việc thăm khám định kỳ, tầm soát để phát hiện bệnh rất cần thiết với những người trong nhóm nguy cơ cao nhằm tránh bỏ lỡ "thời điểm vàng" trong điều trị.
Để phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh Glocom, mỗi người dân cần lưu ý:
- Nếu tiền sử gia đình có người bị bệnh Glocom, các thành viên khác trong gia đình cần đi khám chuyên khoa định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh. Không đợi đến khi có triệu chứng mới đi khám;
- Người mắc các bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường, người ở độ tuổi trung niên nên đi khám mắt định kỳ để phát hiện bệnh;
- Người đã từng mắc bệnh Glocom cần tái khám thường xuyên, khoảng 3 tháng 1 lần để kịp thời xử trí nếu bệnh tiến triển nặng;
- Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt hoặc lạm dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ vì sử dụng corticoid kéo dài có thể là nguyên nhân dẫn tới bệnh Glocom./.

 

Liên kết