Rh là gì?
- Rh (Rhesus) là khái niệm chỉ tình trạng protein có trong máu. Ở người có hai hệ nhóm máu là hệ nhóm máu AOB: có 4 loại máu là A, B, AB và O. hệ nhóm máu Rh thì có hai loại là Rh (+) và RH (-). Trong đa số trường hợp trên bề mặt các hồng huyết cầu thường có một "chất kết dính" D. Máu người nào có chứa chất D này được gọi là máu có tính Rhesus dương, viết tắt là Rh(+) còn ngược lại không có chất D gọi là máu có tính Rhesus âm Rh(-).
- Ở Việt Nam nhóm Rh+ chiếm tỷ lệ rất cao khoảng 99,96% còn nhóm máu Rh- chỉ chiếm khoảng 0.04%, tức là rất thấp.
Tại sao lại phải xét nghiệm Rh?
Phụ nữ mang thai cần được kiểm tra yếu tố Rh (qua xét nghiệm máu) bởi vì điều này rất quan trọng. Thai phụ sẽ được chăm sóc đặc biệt nếu bản thân âm tính với Rh (Rh-) trong khi người chồng dương tính với Rh (Rh+).
Có 4 trường hợp thường thấy về Rh như sau:
- Người mẹ (Rh+), người bố (Rh+), con (Rh+): bình thường.
- Người mẹ (Rh-), người bố (Rh-), con (Rh-): bình thường.
- Người mẹ (Rh+), người bố (Rh-), con (Rh+ hoặc Rh-): bình thường.
- Người mẹ (Rh-), người bố (Rh+), con (Rh+ hoặc Rh-): cần tiêm miễn dịch globulin.
Các nguy cơ xảy ra nếu mẹ mang Rh âm tính
- Trong trường hợp máu của người mẹ (Rh-), máu của người bố Rh(+) và máu thai nhi giống bố cũng là Rh(+) thì việc sinh đẻ lần thứ nhất ít có biến chứng và đưa con ít có khả năng mắc các bệnh về máu. Nhưng trong quá trình sinh con, nhất là khi nhau thai bong ra khỏi tử cung, một số hồng huyết cầu Rh(+) của nhau có thể lọt vào mạch máu của mẹ, tạo ra những "chất kết dính" kháng D trong máu mẹ.
- Tuy vậy cũng chưa có điều gì rắc rối cho tới khi người mẹ mang thai lần thứ 2 và thai nhi lại có máu Rh(+). Máu này truyền sang máu mẹ làm cho lượng "chất kết dính" kháng D tăng lên. Khi máu mẹ đi qua nhau thai vào cơ thể thai nhi, chất này dính vào những hồng huyết cầu làm biến chất và phá vỡ hàng loạt các hồng huyết cầu gây ra bệnh về máu trầm trọng, tác hại nguy hiểm đến gan và lách, kết quả là bé có thể bị mắc bệnh ngay từ trong bụng mẹ hoặc ngay khi vừa chào đời. Muốn cứu thai nhi phải thay máu cho thai khi thai còn trong bụng mẹ hoặc ngay khi mới ra đời.
- Trường hợp mẹ bị Rh âm tính, trước đây có nhận máu của người Rhesus dương, hoặc đã từng nạo thai, thai ngoài tử cung, sẩy thai, hoặc có can thiệp thủ thuật hoặc yếu tố nào đó gây xuất huyết qua bánh rau rộng đều có nguy cơ dẫn đến trao đổi máu mẹ- thai mà thai có Rhesus dương thì thai đầu tiên cũng có bất đồng nhóm máu Rhesus nặng.
Phương pháp điều trị nếu mẹ mang nhóm máu Rh âm tính
- Hiện nay người ta thường áp dụng biện pháp tiêm phòng chất kháng D vào máu người mẹ trong vòng 72 giờ sau khi sinh lần thứ nhất để chất này kết dính và phá vỡ các hồng huyết cầu Rh(+) do thai nhi truyền qua máu mẹ, giữ cho máu người mẹ hoàn toàn là Rh(-). Việc tiêm phòng này cần thực hiện lại mỗi lần mang thai, sinh đẻ, sảy thai hoặc nạo thai.
- Thai phụ có thể được tiêm một mũi miễn dịch globulin vào tuần thứ 28 của lần mang thai đầu tiên. Người mẹ sẽ được tiêm thêm một mũi sau khi sinh xong nếu bé mang Rh-. Mũi tiêm sẽ ngăn cản những trục trặc về sức khoẻ của bé khi Rh của mẹ và bé không tương hợp. Mũi tiêm miễn dịch globulin còn được dùng cho trường hợp khác như chọc dò ối, thai ngoài tử cung hoặc sẩy thai.
Phòng ngừa
- Xét nghiệm Rh của hai vợ chồng trước khi kết hôn hoặc mang thai.
- Phụ nữ có tiền sử sẩy thai, thai ngoài tử cung hoặc trước đây có chấm dứt thai kỳ nên xét nghiệm nhóm máu và tiêm ngừa anti D nếu cần thiết.
- Khi Rh của mẹ âm tính, thì kiểm tra tiếp kháng thể Rh của mẹ. Khi không có kháng thể Rhesus thì mới được tiêm globulin miễn dịch Rh(D) ở tuần thứ 28 của thai kỳ.
- Sau khi sinh, lấy máu cuống rốn của trẻ để xác định nhóm máu, Hb, Coomb trực tiếp và bilirubin huyết thanh của trẻ sơ sinh. Nếu bé có Rh dương nên tiêm ngừa globulin miễn dịch Rh(D) lặp lại trong vòng 72 giờ sau sinh cho bà mẹ. Nếu bé có Rh âm, khi đó không cần tiêm globulin miễn dịch Rh(D) lặp lại cho đến khi có thai trở lại.
Vấn đề Rh(+) hay Rh(-) của máu có tầm quan trọng và ảnh hưởng đến thai nhi như vậy nên các bà mẹ cần phải chú ý. Nếu máu mình là Rh(-) và máu chồng là Rh(+) cần phải nói bác sĩ biết để theo dõi vấn đề này trong suốt quá trình mang thai và sinh con. Khi đứa con đầu tiên chào đời, bác sĩ phải thử máu cho bé. Nếu máu bé là Rh(+), người mẹ cần phải tiêm phòng để tránh gây ra những rắc rối sau nay cho đứa con tiếp theo. Xét nghiệm Rh hai vợ chồng trước khi mang thai giúp phụ nữ chủ động trong việc khám và quản lý thai nghén sau này.
Nguyễn Thị Lý Oanh
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Sưu tầm theo cuasotinhyeu.vn