CÁC XÉT NGHIỆM CẦN LÀM KHI MANG THAI

06/04/2016 14:42        
*** Ba tháng đầu mang thai
Kiểm tra trước khi sinh là một trong nhiều cách chăm sóc sức khỏe, giúp bạn biết được tình trạng sức khỏe của mình cũng như của em bé đang lớn lên trong bụng.

Trong lần đầu đi làm xét nghiệm mang thai, các bác sỹ sẽ kiểm tra toàn diện thai phụ, bao gồm cả khám phụ khoa để kiểm tra những dấu hiệu bất thường có thể xảy ra. Tiếp theo, bạn có thể được kiểm tra máu để xác định nhóm máu, tình trạng Rh cũng như kiểm tra chứng thiếu máu ở bà bầu.

Ngoài ra, xét nghiệm máu còn để xác định các bệnh:
- Giang mai.
- Viêm gan B.
- Sởi Đức (Rubella).
- Thủy đậu.
Cuối cùng, việc xét nghiệm máu ban đầu cũng tìm được kết quả HIV. Nếu bạn không mắc một trong những bệnh trên thì sẽ giảm đáng kể nguy cơ truyền bệnh qua cho em bé.

Ngoài lấy máu xét nghiệm, bạn cũng phải xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem có bị nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh khác hay không. Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, các bài kiểm tra glucose giai đoạn đầu này sẽ xác định được và giúp bạn có một chế độ ăn uống hợp lý hơn.

Việc làm xét nghiệm khi mang thai là cần thiết.
Thậm chí trong một số trường hợp, các bác sỹ còn làm xét nghiệm trên da của bà mẹ để xác định xem họ có nguy cơ mắc bệnh lao hay không. Các xét nghiệm sàng lọc có thể cho bạn biết thông tin về nguy cơ mắc hội chứng Down và các vấn đề dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Thời gian thực hiện ở 3 tháng đầu là từ tuần thứ 9 – 13, quan trọng nhất là tuần thứ 12, bạn cần xét nghiệm, siêu âm để bác sỹ chẩn đoán sớm dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

*** Ba tháng giữa mang thai
Trong mỗi lần thăm khám ở giai đoạn 2, bác sỹ của bạn sẽ yêu cầu kiểm tra nước tiểu để tìm dấu hiệu của chứng tiền sản giật, nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh khác.

Hầu hết các bà bầu được siêu âm từ tuần thứ 16 đến tuần thứ 20 để kiểm tra bất thường về thể chất và xác minh ngày dự sinh của em bé.

Trong khoảng thời gian từ tuần 24 – 28, bạn sẽ được tiến hành xét nghiệm sàng lọc glucose để kiểm tra xem có bị bệnh đái tháo đường thai kỳ hay không và có thể được xét nghiệm máu để kiểm tra thiếu máu.

Từ tuần 15 – 18, bạn có thể kiểm tra triple để xác định các vấn đề về nhiễm sắc thể và dị tật bẩm sinh. Bạn nên kết hợp xét nghiệm này với các xét nghiệm tầm soát ba tháng đầu tiên.

Nếu phát hiện những dấu hiệu bé có nguy cơ bị dị tật, bác sỹ sẽ yêu cầu chọc ối để kiểm tra trong thời gian từ tuần 16 – 20. Chọc ối sẽ xác định chính xác nhất hội chứng Down và các bất thường nhiễm sắc thể khác, các khuyết tật ống thần kinh, các rối loạn di truyền ở thai nhi.

*** Ba tháng cuối mang thai
Trong giai đoạn thứ ba, các bác sỹ sẽ tiếp tục yêu cầu bạn tiến hành kiểm tra mẫu nước tiểu để xác định dấu hiệu của chứng tiền sản giật, nhiễm trùng đường tiết niệu và các dấu hiệu khác.

Từ tuần 35 – 37, bạn sẽ được xét nghiệm để xác định các bệnh nhiễm trùng thông thường. Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính, bạn sẽ được bác sĩ kê thuốc kháng sinh trong quá trình sinh nở để giữ cho vi khuẩn không xâm nhập vào em bé trong quá trình chui ra.

Dưới đây là một số xét nghiệm bạn có thể phải thực hiện trong ba tháng này:
- Nếu mức đường trong máu của bạn tăng cao khi bạn tiến hành kiểm tra, bạn sẽ được bác sỹ cho thử dung nạp glucose để xác định xem bạn có mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hay không.

- Bạn sẽ phải kiểm tra máu một lần nữa để xác định chứng thiếu máu, đặc biệt nếu cuối giai đoạn thứ hai bạn không được kiểm tra máu, hoặc nếu bạn đang bị thiếu máu trước khi mang thai.

- Nếu bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng qua đường tình dục thì sẽ được kiểm tra một lần nữa để kiểm tra bệnh giang mai, lậu và HIV.

- Nếu trước đó kết quả siêu âm cho thấy các triệu chứng liên quan đến nhau thai thì sẽ được siêu âm để kiểm tra vị trí của nhau thai..

Nếu quá trình mang thai của bạn là bình thường nhưng vượt quá ngày dự sinh mà vẫn chưa có dấu hiệu trở dạ, bạn sẽ phải tiến hành kiểm tra để đảm bảo em bé vẫn an toàn trong bụng mẹ. Từ tuần thứ 40 – 41, bạn có thể được kiểm tra đầy đủ, trong đó bao gồm cả kiểm tra nhịp tim của em bé và siêu âm để kiểm tra nước ối. Các xét nghiệm này thường được thực hiện hai lần 1 tuần để giúp bác sĩ quyết định xem em bé có an toàn không và bạn có nên chờ đợi đến ngày sinh hay phải tiến hành đẻ mổ.


Nguyễn Thị Lý Oanh 
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa

Nguồn sưu tầmmeyeucon.org

 

Liên kết