Đường máu rập rình đe dọa ngày Tết
Bác Nguyễn Thị Thọ trú tại La Khê, Hà Đông cho biết, mỗi dịp Tết đến là bác lại lo lắng, mệt mỏi vì bệnh tiểu đường. Dù đã kiểm tra sức khỏe trước Tết và ăn kiêng nhưng hầu như năm nào, sau kỳ nghỉ Tết bác cũng phải đi kiểm tra lại sức khỏe.
Với những người tiểu đường như bác, đường máu chính là sự sống còn. Mấy ngày nay, bác bận bịu việc cúng bái nên không kiểm tra đường máu nhưng thấy người mệt, tim đập nhanh hơn, bỗng dưng cái máy kiểm tra đường huyết tại nhà lại gặp trục trặc nên bác phải đến nhờ sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa.
Bệnh nhân cần giám sát đường huyết ở nhà những ngày nghỉ Tết.
Cùng hoàn cảnh với bác Thọ, anh Nguyễn Văn Tuyển 45 tuổi, bệnh nhân tiểu đường vẫn không thể nào quên về cái Tết vừa qua khi vào ngày tết do không kiêng khem dẫn đến hạ đường huyết, hôn mê phải nhập viện cấp cứu. Vậy là cả 3 ngày Tết anh và vợ ăn Tết trong bệnh viện.
Anh Tuyển cho biết anh phát hiện bệnh tiểu đường từ cách đây 3 năm nhưng ở tuổi của anh việc kiêng khem và duy trì chế độ điều trị như bác sĩ khuyến cáo rất khó. Dịp Tết, dù đã chuẩn bị sẵn về mặt tâm lý nhưng đến buổi chiều ngày 30 khi gia đình đang làm cơm tất niên, anh lại nhấp ly bia cụm ly với cả nhà. Đang ăn, anh thấy người mệt và cứ lịm dần đi. May mà người thân nhanh trí đưa anh đến bệnh viện kịp thời để cấp cứu.
Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường - Nguyên bác sĩ khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, vào những sau ngày Tết các phòng khám chuyên khoa nội tiết đều gia tăng số người tiểu đường đến viện.
Theo bác sĩ Cường vì bệnh tiểu đường bị ảnh hưởng nhiều bởi chế độ ăn và lối sống. Ngày Tết, bất cứ ai cũng có nhiều thái quá trong sinh hoạt, nhịp điệu cuộc sống bị đảo lộn (ăn ngủ thất thường, không tập được thể dục...), người bị bệnh có thể bỏ thuốc, hết thuốc chưa kịp mua, không tiêm được insulin, không giữ được chế độ ăn thường ngày, ăn quá nhiều vì tâm lý cho rằng “đói quanh năm no 3 ngày Tết”, do phải tiếp khách đã dùng quá nhiều cà phê, chè, thuốc lá, rượu... dẫn tới đường huyết thay đổi chóng mặt.
Cần giám sát tốt đường huyết
Những kỳ nghỉ lễ nói chung và dịp Tết, theo bác sĩ Cường, người bị tiểu đường cần đảm bảo giám sát thật tốt lượng đường huyết. Với người có phương tiện tự kiểm tra đường máu, huyết áp nên đo thường xuyên hơn (3-6 lần, nếu có thể), nhất là khi có biểu hiện bất thường.
Ngày Tết có nhiều sinh hoạt bất thường, vậy nên xét nghiệm máu vào các thời điểm bất thường là hợp lý. Để dễ nhớ, đường máu đo được khi đói là 5mmol/l; sau ăn 2 giờ 10mmol/l thì có thể yên tâm.
Trong những ngày nghỉ lễ, Tết cần gạt bỏ tâm lý “kiêng chữa bệnh”, kiêng các thao tác liên quan đến chữa bệnh, không tạm ngừng thuốc, không vì vui mà quên uống thuốc, tiêm thuốc. Đường trong cơ thể vẫn luôn được tiêu hóa, hấp thụ và tạo ra từ gan, thậm chí những ngày Tết còn gia tăng nhiều hơn vì ăn uống nhiều, vì stress...Không bỏ tiêm dù chỉ một liều thuốc. Càng không được có tâm lý kiêng chữa bệnh dịp này.
Nếu lỡ hết thuốc mà không thể có được, nên ăn ít hơn mọi ngày một chút và chia ra nhiều bữa hơn. Biện pháp này có thể giúp cho đường máu không tăng quá cao trong vòng vài ngày. Cố gắng lặp lại số thuốc sớm nhất khi có thể. Người bị tiểu đường cũng cần cảnh giác những thứ ăn vui miệng như hạt hướng dương, hạt bí đỏ rang. Nếu ăn nhiều làm tăng tổng số calo hấp thụ khá nhiều (1 lạng hạt trên cung cấp tới 1/4 nhu cầu năng lượng cho cơ thể).
Khi đi ăn cỗ nên báo trước với người cùng ăn là mình bị tiểu đường sẽ tránh bị ép ăn uống quá độ. Trường hợp đã lỡ ăn nhiều có thể tiêm thêm insulin nhanh 2-6 đơn vị loại insulin nhanh; nếu không dùng thuốc tiêm thì nên vận động nhiều hơn để tiêu thụ số calo thừa đưa vào, không tự ý tăng liều thuốc uống nếu không có ý kiến của bác sỹ vì các loại thuốc uống hạ đường huyết khó lường trước khả năng làm giảm đường máu trong khoảng thời gian ngắn.
CN. Vũ Đình Tuấn
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Nguồn : 24h.com.vn