NGƯỜI VIÊM GAN B DỄ BỊ UNG THƯ GAN

23/02/2016 15:44        
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tấn Cường, Giám đốc y khoa Bệnh viện Quốc tế Thành Đô cho biết, ước tính hiện có khoảng 8,6 triệu người Việt Nam nhiễm virus viêm gan B. Bệnh viêm gan siêu vi B thường phát triển theo các giai đoạn: viêm gan siêu vi B cấp, viêm gan siêu vi B mạn và những người lành nhưng mang mầm bệnh trong cơ thể.

Viêm gan siêu vi B cấp thường có biểu hiện giống như cảm cúm, thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, ói mửa, sụt cân, ăn kém ngon, ngứa khắp người. Người bị bệnh nặng hơn có thể gặp các triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, đau bụng, đau khớp, đau cơ, nước tiểu có màu vàng sậm.

Khi chuyển sang giai đoạn viêm gan siêu vi B mạn tính thì người bệnh hầu như không có triệu chứng và luôn cảm thấy sức khỏe bình thường hoặc đôi khi có mệt mỏi, chán ăn. Hậu quả nghiêm trọng nhất của người bị viêm gan siêu vi B mạn tính là xơ gan với các biến chứng như có dịch trong ổ bụng, chảy máu đường tiêu hóa, ung thư.

Khi bệnh đã diễn tiến xơ gan thường khó hồi phục mặc dù tình trạng viêm gan được cải thiện. Vì vậy cần điều trị bệnh sớm nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình xơ gan. Khoảng 10-20% bệnh nhân xơ gan có thể biến thành ung thư gan. Bệnh nhân bị nhiễm virus B có xác suất ung thư gan cao gấp 200 lần người bình thường. Tại Việt Nam 60-70% ca ung thư gan có nhiễm virrus B, 20% nhiễm virus C.

Những người lành mang mầm bệnh là khi cơ thể nhiễm virus viêm gan B nhưng không có dấu hiệu hay triệu chứng viêm gan nào biểu hiện. Virus có thể ở trong cơ thể suốt đời, nhưng cũng có một lúc nào đó nó phát triển thành bệnh trong người và lây truyền cho người khác. Vì vậy cần cảnh giác bằng cách đến gặp bác sĩ mỗi 3-6 tháng tùy trường hợp để được kiểm tra.

Tùy theo quyết định của bác sĩ, một số trường hợp cần điều trị sớm và tích cực để loại trừ hoặc giảm thiểu tình trạng viêm gan, do đó ngăn ngừa, làm chậm tiến triển sang giai đoạn xơ gan, ung thư gan. Bên cạnh đó, người bệnh nên đi khám bác sĩ định kỳ nhằm đào thải toàn bộ, hoặc một phần lượng virus B trong cơ thể, đặc biệt ở trong gan những người lành có mang mầm bệnh.

Các loại thuốc sử dụng trong điều trị:
- Interferon: Có hiệu năng tăng cường khả năng miễn dịch, ngoài ra còn kháng virus. Khi dùng một số người bệnh có thể gặp các triệu chứng như sốt, rụng tóc, mệt... TTuy nhiên, giá thuốc cao và thời gian điều trị lâu dài, vì vậy chỉ thích hợp với những bệnh nhân có điều kiện kinh tế khá giả.

- Lamivudin: Có hiệu năng kháng virus. Thời gian đạt được mục tiêu này phụ thuộc vào từng người, ít nhất là một năm trở lên và tái phát còn có thể dùng lại. Hiện nay tỷ lệ kháng lamivudin lên tới 70% vì thế không được chỉ định nhiều nhưng cũng có khoảng 20% người bệnh hầu như không bị kháng thuốc.

- Adefovir, entecavir, telbivudin: Thời gian đạt được mục tiêu điều trị ngắn hơn lamivudin. Tỷ lệ kháng thuốc thấp hơn lamivudin và có hiệu quả với những người bệnh đã kháng với lamivudin.

- Tenofovir: Là thuốc mới nhất được EU và Mỹ đưa vào sử dụng vào năm 2008. Qua các nghiên cứu cho thấy tenofovir tốt hơn các thuốc trước đó cả về mức đạt được hiệu quả và chưa bị kháng thuốc.

- Phối hợp các loại thuốc: Gần đây, nghiên cứu về việc phối hợp thuốc trong điều trị viêm gan siêu vi B bằng cách phối hợp chất tăng cường miễn dịch (interferon - pegylat) với chất kháng virus (lamivudin) cho kết quả tốt hơn dùng riêng lẻ mỗi thuốc. Tuy nhiên phối hợp hai chất kháng virus thì cho kết quả không đều, chưa ổn định và làm tăng chi phí điều trị nên chưa áp dụng trên lâm sàng.

Lời khuyên dành cho người viêm gan siêu vi B
- Thay đổi chế độ ăn uống: Nếu là người lành mang mầm bệnh, nên hạn chế uống rượu. Người nghiện rượu mắc bệnh viêm gan B thường hay bị xơ gan hơn. Chế độ ăn bình thường là thích hợp với hầu hết trường hợp viêm gan siêu vi B. Khi có dấu hiệu xơ gan nên giảm muối trong chế độ ăn.

- Thay đổi lối sống: Người bị nhiễm viêm gan siêu vi B thường lo lắng về nguy cơ truyền bệnh sang những người xung quanh, vì siêu vi B lây nhiễm qua tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của bệnh nhân trong quan hệ tình dục.

Cần chú ý để tránh lây nhiễm cho người khác
- Khi phát hiện bị nhiễm siêu vi thì cần xét nghiệm để tầm soát đối với người thân như cha mẹ, anh em ruột, vợ chồng, con cái.

- Phụ nữ có thai khi bị viêm gan B có nguy cơ truyền bệnh sang cho con trong khi sinh là rất cao. Những trường hợp trẻ sinh ra mắc viêm gan B có tới 90% sẽ chuyển thành viêm gan B mạn tính. Cần phải chích ngừa cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh để hạn chế tới mức thấp nhất trường hợp lây nhiễm.

- Hiện nay đã có văcxin chủng ngừa cho những người tiếp xúc với người mang mầm bệnh. Người mang mầm bệnh cần có biện pháp phòng ngừa như không dùng chung các vật dụng cá nhân có nguy cơ lây nhiễm như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ cắt móng tay, tránh làm lây máu khi bị vết thương, hãy lau sạch máu bằng thuốc sát trùng. Nên sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.


Vũ Đình Tuấn
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa

Theo báo điện tử vnexpress.net

 

Liên kết