Vai trò của vắc xin sởi trong phòng ngừa bệnh sởi

22/04/2025 07:30        

     Bs Nguyễn Công Bảo

     Phòng Khám đa khoa – Trung tâm CSSKSS

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 ca nghi sởi, trong đó có 6 ca tử vong liên quan đến sởi và có 3.447 ca dương tính với vi rút sởi.

1. Bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh do vi rút Sởi (họ Paramyxoviridae, chi Morbillivirus) gây ra, bệnh có thể gây các biến chứng nặng dẫn đến tử vong, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, người lớn chưa tiêm hoặc tiêm phòng không đầy đủ cũng có nguy cơ mắc.

Sởi lây qua đường không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp.

2. Vắc xin phòng ngừa Sởi là sinh phẩm y tế có tính kháng nguyên, cung cấp khả năng phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ em và người lớn. Vắc xin sởi được nghiên cứu và điều chế thông qua các thành phần kháng nguyên của virus sởi còn sống, bị giảm độc lực, không còn khả năng gây bệnh nhưng vẫn đảm bảo khả năng gây miễn dịch khi tiêm.

Vắc xin sởi có hiệu quả phòng bệnh cao, phần lớn trẻ bệnh sởi là chưa tiêm ngừa vắc xin sởi. Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh, nhưng tỷ lệ mắc sởi hiện nay tại Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn được Tổ chức Y tế Thế giới quan tâm, tiếp tục coi là vấn đề y tế toàn cầu.

3. Lợi ích khi tiêm vắc xin sởi

Bảo  vệ cá nhân: Vắc xin sởi giúp cơ thể người được tiêm sản sinh miễn dịch đặc hiệu, chủ động chống lại vi rút sởi.

Ngăn ngừa biến chứng: sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa,... vắc xin sởi giúp giảm nguy cơ mắc phải các biến chứng này

Giảm tỉ lệ tử vong: Bệnh sởi có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ em và người có hệ miễn dịch yếu. Tiêm vắc xin sởi giúp giảm đáng kể tỉ lệ tử vong liên quan đến sởi.

Bảo vệ cộng đồng: tác động của tiêm vắc xin sởi không chỉ dừng lại ở mức độ cá nhân, mà còn mở rộng đến cấp độ cộng đồng và quốc gia (khi tỉ lệ dân số lớn trong cộng đồng được tiêm vắc xin > 95% tạo ra miễn dịch cộng đồng).

4. Ai nên tiêm vắc xin sởi?

Những ai ở trong độ tuổi khuyến cáo tiêm chủng chưa có miễn dịch với sởi đều cần tiêm vắc xin sởi. Đặc biệt là nhóm người có nguy cơ mắc sởi cao và có nguy cơ cao bị các biến chứng nặng của sởi như:

- Trẻ dưới 5 tuổi;

- Người trưởng thành chưa từng mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm vắc xin trước đây.

- Người làm việc trong các cơ sở y tế, trường học;

- Người mắc các bệnh mãn tính;

- Người sống trong vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp.

 

Đặc biệt đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai cần tiêm vắc xin sởi (thường là vắc xin phối hợp sởi – quai bị - rubella) vì những lý do sau:

+ Phòng tránh sởi khi mang thai: sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho phụ nữ mang thai như sẩy thai, sinh non, thai chết lưu, nặng hơn nữa có thể gây viêm phổi, viêm não ở mẹ.

+ Bảo vệ thai nhi: dù vi rút sởi không được chứng minh rõ ràng gây dị tật bẩm sinh như  rubella, nhưng nhiễm sởi khi mang thai làm tăng nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi do sốt cao, nhiễm trùng toàn thân và tình trạng thiếu oxy cho thai.

+ Không được tiêm trong thai kỳ: vì vắc xin sởi là vắc xin sống giảm độc lực, nên không được tiêm trong lúc mang thai. Do đó, việc tiêm phòng cần được thực hiện ít nhất 1 tháng trước khi mang thai để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

5. Ai không nên tiêm vắc xin sởi?

Những người dị ứng hoặc có phản ứng nghiêm trọng với các thành phần trong vắc xin sởi (gelatin hoặc neomycin).

Những người suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc suy giảm miễn dịch do mắc các bệnh HIV/AIDS, uống thuốc ức chế hệ miễn dịch

Phụ nữ có thai

Những người đang gặp tình trạng ốm, sốt.

6. Một số loại vắc xin sởi hiện nay

Vắc xin sởi đơn (Vắc xin MVVAC)

Vắc xin sởi - rubella (vắc xin MR.

Vắc xin Sởi – Quai bị – Rubella

Vắc xin Priorix (Bỉ)

Vắc xin MMR (Ấn Độ)

Vắc xin MMR II (Mỹ)

7. Lịch tiêm vắc xin sởi?

Theo lịch tiêm của Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), vắc xin sởi khuyến cáo tiêm 2 mũi, trong đó:

Mũi 1: Khi trẻ 9 tháng tuổi;

Mũi 2: Tiêm nhắc lại lúc 18 tháng tuổi.

Các cơ quan y tế địa phương có thể khuyến cáo tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi trong các trường hợp có dịch

Đối với người lớn cần tiêm đủ 2 mũi và mỗi mũi cách nhau 1 tháng.

8. Tiêm vắc xin sởi ở đâu?

Các Trạm Y tế nơi thực hiện chương trình TCMR

Các trung tâm, phòng khám, bệnh viện có đơn vị tiêm chủng.

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Quyết định số 1019/QD-BYT ngày 26/03/2025 về việc ban hành tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi".

2. https://tytphuonglinhdong.medinet.gov.vn/tiem-chung-mo-rong/vac-xin-phong-benh-soi-gom-nhung-loai-vac-xin-nao-cmobile9104-168588.aspx

 

Liên kết