NGHÉN KHI MANG THAI
CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
CN Bùi Thị Cẩm Tiên - Khoa CSSKTEPCSDD
Nghén là một điều hoàn toàn bình thường ở phụ nữ khi có thai, khoảng 80% phụ nữ mang thai có tình trạng "ốm nghén" với các mức độ khác nhau. Người ta cho rằng nghén là hiện tượng phản ứng của cơ thể đối với nội tiết tố thai kỳ, khi nội tiết tố tăng sẽ làm nôn ói tăng. Nội tiết tố đạt đến đỉnh vào khoảng tuần thứ 8-9 của thai kỳ sau đó giảm dần và đến 14-16 tuần thì chấm dứt.
Tuy nhiên cũng có khoảng 20% thai phụ tình trạng nôn ói vẫn diễn ra và kéo dài suốt thai kỳ. Điều này được giải thích là do quá nhạy cảm với nội tiết tố của thai kỳ. Ngoài ra nghén còn do yếu tố tinh thần, gia đình và xã hội tác động. Sự lo lắng cho cuộc sống thường ngày cũng làm gia tăng hiện tượng nghén. Hiện tượng nghén rất hiếm khi kéo dài dài suốt thời kỳ mang thai.
Mặc dù nghén khi mang thai thường là một phần tự nhiên của thai kỳ, nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, nó có thể tiến triển thành nghén nặng. Nghén nặng có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn, như mất nước (do không đủ nước trong cơ thể) hoặc suy dinh dưỡng (do thiếu chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống).

Phương pháp điều trị nghén, những điều bạn có thể tự mình thử
Có một số thay đổi bạn có thể thực hiện trong chế độ ăn uống và thay đổi lối sống hàng ngày để cố gắng giảm bớt các triệu chứng, đến đây mới thấy tầm quan trọng của việc chuẩn bị sức khỏe trước sinh, nghĩa là cơ thể khỏe mạnh, đầy đủ dưỡng chất là cả một thời gian dài chăm sóc cơ thể và chuẩn bị trước đó, mỗi lần mang thai sẽ khác nhau.
- Một tách nước gừng ấm có thể làm giảm triệu chứng khó chịu, nhấm nháp một miếng bánh quy, bánh mì. Bà mẹ không nên để bụng quá đói, quá no hoặc uống nước trong khi ăn để hạn chế cảm giác buồn nôn. Nên ăn từng chút một và chia làm nhiều bữa, tốt nhất là từ 5 đến 6 bữa mỗi ngày.
- Thức ăn tốt nhất là ở dạng lỏng, dễ hấp thụ, hoặc trái cây; tránh những thức ăn nhiều dầu mỡ, gia vị (hành, tỏi, tiêu, ớt...) và có mùi lạ ; uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi lúc nôn.
- Có thể tạm dừng uống vitamin và viên sắt, vì mùi vị viên sắt có thể làm cho nôn ói nặng hơn. Viên đa sinh tố (thuốc bổ) cũng có thể tạm ngưng uống vì không ảnh hưởng lớn lắm.
- Hãy cố gắng chăm sóc mình, vệ sinh các nhân sạch sẽ, cơ thể thơm tho cho con khỏe mạnh, vận động tránh tình trạng nằm một chỗ thì suy nghĩ, tìm hiểu những thông tin mạng xã hội tiêu cực, ảnh hưởng tới tinh thần, cần tạo cho mình một tinh thần thoải mái, sảng khoái mỗi ngày.
- Vận động là phương thuốc hữu hiệu cho những ai mỏi mệt. Thêm một tin vui nữa là nếu vận động đúng, đủ, hợp lý, có thể giảm nguy cơ sinh non. Hãy nghĩ đến con sinh ra khoẻ mạnh và xinh xắn để tạo niềm tin cho mình. Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ từ 8 -10 tiếng mỗi ngày, tránh làm việc quá sức, đi dạo thường xuyên để thư giãn đầu óc.
* Trường hợp nghén nặng:
- Nhập viện, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc ĐỪNG TỰ Ý TRUYỀN DỊCH, vì truyền xong cũng đi tiểu ra hết mà nguy hiểm rình rập. Nếu cảm thấy sức khoẻ quá suy kiệt vì nghén nhiều thai phụ cần đến khám và hỏi ý kiến của bác sĩ sản khoa. Tình trạng này sẽ được giải quyết bằng cách cho uống thuốc, truyền dịch, truyền chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch...theo chỉ định của Bác sĩ
Nghén khi mang thai là rất phổ biến và có một loạt các phương pháp điều trị được đề xuất. Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống phải được thực hiện đầu tiên, nhưng không nên từ chối điều trị thuốc vì sợ ảnh hưởng đến em bé. Hướng dẫn chuyên môn lâm sàng có sẵn cho Bác sĩ kê đơn có thể yên tâm rằng điều trị sớm nâng cao chất lượng cuộc sống cho thai phụ và gia đình.
Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Khánh Hòa thực hiện khám thai, khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh….với đội ngũ Y Bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ chăm sóc cho bạn một thai kỳ khỏe mạnh.
Mọi thông tin vui lòng liên hệ: bộ phận tư vấn, tiếp đón tầng 1 hoặc Phòng khám thai tầng 2, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, 36 Yết Kiêu- P. Vạn Thạnh –TP. Nha Trang, số điện thoại 02583.822319.
Nguồn tham khảo:
Y học thường thức bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Mỹ Đức, bệnh viện Sản phụ khoa MêKông.