Hưởng ứng tháng hành động trẻ em (1/6/2025-30/6/2025)
29/05/2025 08:39
Bài tuyên truyền hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em năm 2025
“Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tình yêu thương sâu sắc đối với các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng vì các cháu là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Bác căn dặn: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Chăm lo, bảo vệ và giáo dục trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng và tháng 6 hàng năm được xác định là Tháng hành động vì trẻ em Việt Nam.
Theo đó, tháng hành động vì trẻ em 2025 là tháng 6 năm 2025 bắt đầu từ Chủ nhật ngày 1/6/2025 và kết thúc vào Thứ hai ngày 30/6/2025. Chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm 2025: Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em.
Với chủ đề “Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm nay là dịp để các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và toàn xã hội cùng chung tay, đồng lòng cam kết thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả; tăng cường việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về thực hiện quyền trẻ em; vận động thực hiện có hiệu quả những chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án và tìm kiếm nguồn lực dành cho trẻ em...
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, nhiều năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em của xã Ninh Nhất luôn là việc làm thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn cùng sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội.
Thông qua Tháng hành động vì trẻ em, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi bậc ông, bà, cha, mẹ, cần nhận thức rõ trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, chung tay xây dựng môi trường an toàn, thường xuyên quan tâm, chăm sóc, giám sát bảo đảm an toàn cho trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em…
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, việc chăm lo, bảo vệ, giáo dục trẻ em chính là góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho sự phát triển của Tây Thành và đất nước trong tương lai.
|
Khẩu hiệu tuyên truyền tháng hành động vì trẻ em năm 2025?
Căn cứ Điều 11 Luật Trẻ em 2016 tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.
Năm nay, tháng hành động vì trẻ em 2025 là tháng 6 từ ngày 01/6/2025 đến ngày 30/6/2025 với chủ đề “Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em”.
Vậy, "Khẩu hiệu tuyên truyền tháng hành động vì trẻ em năm 2025 là gì?"
Ngày 10/4/2025, Bộ Y tế đã có Công văn 2099/BYT-BMTE năm 2025 về việc hướng dẫn triển khai tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2025.
>> Tải về Công văn 2099/BYT-BMTE năm 2025
Theo đó, tại tiểu mục 2 Mục II Kế hoạch tổ chức triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2025 ban hành kèm theo Công văn 2099/BYT-BMTE năm 2025 có nêu các khẩu hiệu tuyên truyền tháng hành động vì trẻ em năm 2025 như sau:
(1) Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em;
(2) Phát huy sức mạnh cộng đồng để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em;
(3) Tăng cường phòng ngừa và can thiệp sớm để giải quyết các vấn đề của trẻ em;
(4) Hành động vì trẻ em ngay hôm nay, xây dựng ngày mai tươi sáng;
(5) Tạo mọi cơ hội, điều kiện tốt nhất để trẻ em phát triển toàn diện;
(6) Bảo đảm tất cả trẻ em được tiêm chủng đầy đủ;
(7) Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho trẻ bú mẹ kéo dài đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; (8) Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A;
(9) Trẻ em cần được học bơi và học kỹ năng an toàn để phòng, chống đuối nước;
(10) Vì một cộng đồng an toàn, mỗi gia đình cần nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý và giám sát trẻ em;
(11) Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em;
(12) Tổng đài 111 - tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi.
|
Giáo dục pháp luật về trẻ em có phải nội dung quản lý của nhà nước?
Căn cứ khoản 4 Điều 8 Luật Trẻ em 2016 quy định về nội dung quản lý nhà nước về trẻ em như sau:
Nội dung quản lý nhà nước về trẻ em
1. Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về trẻ em.
3. Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về biện pháp, quy trình, tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật.
4. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trẻ em; truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng và vận động xã hội thực hiện quyền trẻ em.
5. Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em, người chăm sóc trẻ em và mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em thực hiện quyền của trẻ em.
6. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về trẻ em; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trẻ em; giải quyết, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ em, người giám hộ và tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.
7. Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về tình hình trẻ em và việc thực hiện pháp luật về trẻ em cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
8. Hợp tác quốc tế về thực hiện quyền trẻ em.
Như vậy, theo quy định trên nội dung quản lý của nhà nước về trẻ em có bao gồm cà giáo dục pháp luật về trẻ em. Cụ thể là tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trẻ em; truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng và vận động xã hội thực hiện quyền trẻ em.

|