Theo nghị định 46 có hiệu lực từ 1/8, những người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu cao sẽ bị xử phạt ở mức nặng. Sau gần 1 tháng thực hiện, nhiều "ma men" đã bị xử phạt. Tuy nhiên, nhiều người đã chống đối bằng những lý do "dở khóc dở cười".
“Tôi bị yếu thận chứ không phải do uống rượu”
Theo Tiền Phong, một tài xế xe hơi khi bị các chiến sĩ cảnh sát giao thông xử phạt do có nồng độ cồn 0,5 mg/lít khí thở đã biện minh: “Tôi bị bệnh tiểu đường, thận yếu nên thổi ra hơi cồn chứ không phải do uống rượu bia”.
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay: “Khi uống rượu bia, chúng sẽ được hấp thụ chủ yếu ở gan, một phần ở thận. Khi chức năng thận bị yếu đi, chúng chỉ làm chậm quá trình chuyển hóa chứ không thể nào làm tăng nồng độ cồn hay thổi ra hơi cồn”.
Theo bác sĩ Dũng không có căn bệnh nào tạo nên nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở. Việc này chỉ có thể do việc dung nạp rượu, bia vào cơ thể.
Bác sĩ Cao Xuân Phúc, Học viện Quân y, cho biết khi uống rượu hoặc bia, lượng cồn trong máu phụ thuộc vào 4 yếu tố cân nặng người uống, tốc độ uống, thời gian uống và nồng độ cồn trong đồ uống.
Với một người có cân nặng khoảng 60 kg, chỉ cần uống 21 gram cồn (tương đương 65 ml rượu 40 độ, bằng một chén rượu trung bình chúng ta vẫn sử dụng) hoặc nửa lít bia, sau 30 phút, nồng độ cồn đã có thể đạt tối đa tới con số 50 mg/100 ml máu.
Ngoài ra, nếu cả nam và nữ cùng uống một loại rượu, nhưng nồng độ cồn trong máu của phụ nữ tăng cao hơn nam giới. Đó là do cơ thể người phụ nữ ít nước và nhiều mô mỡ hơn nam giới.
Chấn thương sọ não vì rượu
Theo bác sĩ Phúc, cồn (hay còn gọi là rượu) là chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh. Khi vượt ngưỡng 50 mg/100 ml máu, chúng sẽ khiến hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, định hướng, điều khiển vận động, dễ gây ra tai nạn. Theo bác sĩ Phúc, điều này đã được chứng mình bằng các thực nghiệm khoa học.
Đặc biệt, nếu nồng độ cồn trong máu dao động từ 50-79 mg/100 ml máu, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông thậm chí còn cao hơn người không uống rượu bia tới 7-21 lần.
Nếu từ 80 mg/100 ml máu trở lên, người điều khiển phương tiện giao thông hoàn toàn mất tầm kiểm soát và có thể gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng.
Theo số liệu của BV Việt Đức, năm 2015 có 507 trường hợp nhập viện vì tai nạn giao thông (TNGT) có nồng độ cồn cao. 6 tháng đầu năm 2016 số đối tượng có chiều hướng tăng lên là 379 trường hợp. Riêng tháng 6/2016, 93/1.100 trường hợp cấp cứu vì TNGT có nồng độ cồn trong máu cao, chiếm gần 10%.
Bác sĩ trực cấp cứu Bùi Trung Nghĩa (Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Việt Đức) cho biết bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân N.S.H. (SN 1985, Kim Bảng, Hà Nam) bị TNGT nặng, nhập viện ngày 20/7 trong tình trạng chấn thương sọ não, vỡ đốt sống cổ, chấn thương ngực, dập phổi hai bên... Sau hơn 10 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân đã khá hơn, nhưng vẫn phải thở máy và vẫn hôn mê.
Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là 103 mg/ml. Người nhà bệnh nhân cho biết trước khi xảy ra tai nạn thanh niên này có uống bia sau giờ làm, trở về lúc trời đã tối.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 103, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Cấp cứu, cho hay người nhập viện cứu liên quan tới rượu bia găp tai nạn giao thông chiếm 1/3 số ca cấp cứu hàng ngày. Nhiều người đã vĩnh viễn ra đi do chấn thương quá nặng. Hàng loạt bệnh nhân trở thành người tàn phế, tâm thần vì di chứng sau tai nạn.
Vũ Đình Tuấn: Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Nguồn news.zing.vn