DINH DƯỠNG HỢP LÝ CỦA BÀ MẸ TRONG THỜI KỲ ĐẦU THAI NGHÉN

01/09/2015 14:51        
Bà mẹ hiểu rõ lợi ích cũng như tầm quan trọng của dinh dưỡng:
- Có sức đề kháng chống lại nguyên nhân gây bệnh nên ít mắc bệnh.
- Không bị thiếu máu nặng khi có thai.
- Giúp cho thai nhi phát triển bình thường cả về thể chất và trí tuệ.

Về chế độ ăn: 
- Bà mẹ ăn no: có nghĩa là khi có thai bà mẹ cần tăng khẩu phần ăn lên 1/4 so với lúc chưa có thai; có thể ăn tăng hơn trong mỗi bữa, có thể ăn nhiều bữa hơn. Để ăn được nhiều hơn như thế cần thay đổi món ăn, thay đổi cách chế biến sao cho ngon miệng. Trường hợp những tháng đầu, do tình trạng nghén, ăn uống có thể kém đi thì tăng cường nghỉ ngơi dành thêm năng lượng từ thức ăn cho sự phát triển của thai, rau thai và sữa mẹ về sau.

- Ăn đủ chất: có nghĩa là ăn những thức ăn có sẵn tại địa phương có nhiều chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, ếch, lươn, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ nhất là đậu tương. Các thức ăn chứa nhiều chất mỡ như dầu ăn, thịt, vừng, lạc; các loại nhiều chất bột đường như gạo, ngô, khoai, sắn, củ mài, bột mì, đường, và các loại quả ngọt; thức ăn chứa nhiều muối khoáng và vitamin như rau tươi, hoa quả các loại. 

- Thai phụ không nên kiêng bất cứ loại thực phẩm nào họ vẫn ưa thích. Tuy nhiên không thể ép buộc họ ăn những thứ họ chưa tin. Không nên sử dụng các chất kích thích (rượu, thuốc lá, thuốc lào, cà phê...).

- Cần uống đủ lượng nước cần thiết khi có thai và lúc nuôi con (từ 8 đến 12 cốc nước sạch, nước hoa quả hoặc chè thảo dược mỗi ngày).

- Nếu bà mẹ có bệnh mạn tính, chẳng hạn viêm gan B, viêm giáp,...  bà mẹ nên thực hiện chế độ ăn theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa thích hợp.

 
Bộ y tế năm 2014
Tài liệu đào tạo người đỡ đẻ có kỹ năng

 

Liên kết