Bệnh lây truyền từ người chăm sóc trẻ, dụng cụ cho ăn cốc chén, chai sữa, đầu vú cao su hoặc lây qua đường sinh dục của mẹ bị nấm trong lúc đẻ hoặc có thể do dùng kháng sinh, nhất là kháng sinh phổ rộng kéo dài gây mất cân bằng giữa hệ vi khuẩn và nấm.
Biểu hiện đầu tiên của tưa miệng là niêm mạc lưỡi bong vẩy, lưỡi đỏ nổi gai sau đó xuất hiện những chấm trắng ở lưỡi, niêm mạc má, lợi vòm miệng. Dần dần các chấm tạo thành từng đám màu trắng sữa dính vào niêm mạc miệng khó bóc. Trẻ tưa miệng thường khó bú, khó nuốt. Trong một số trường hợp đặc biệt, nấm mọc dầy có thể lan xuống họng, thực quản, dạ dày ruột, khí quản, hậu quả gây viêm phổi, tiêu chảy kéo dài.
Cần phân biệt với cặn sữa ở miệng trẻ, thông thường cặn sữa dễ bong, trôi theo nước uống, trẻ bú nuốt bình thường. Khi trẻ bị tưa miệng có thể đánh tưa bằng mật ong hoặc nước lá rau ngót, nếu không đỡ thì dùng Natri Bicarbonat 5% hoặc glycerin borat 3%. Dùng gạc sạch quấn vào ngón tay nhúng vào dung dịch đánh tưa rồi lau dần từ ngoài vào trong, từ môi, hai bên mặt trong của má, vòm miệng, lưỡi, lau nhẹ nhàng 2-3 lần trong một ngày, tưa sẽ bong ra và có thể kết hợp dùng Nystatin chống nấm.
Nếu trẻ khó bú thì vắt sữa mẹ cho ăn bằng thìa. Trẻ nuôi nhân tạo cũng ăn sữa đổ thìa, không dùng chai, đầu vú cao su.
Đề phòng tưa miệng cho trẻ nhỏ:
- Vệ sinh cá nhân cho trẻ và người chăm sóc trẻ
- Vệ sinh khi cho con bú, dụng cụ pha chế thức ăn
- Tránh sử dụng kháng sinh liều cao kéo dài
- Phát hiện và điều trị nấm ở đường sinh dục cho các bà mẹ.
Phan Thị Thu Thùy
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Theo nguồn : PGS. Đào Ngọc Diễn - Đặc san Dinh dưỡng Sức khỏe & Đời sống