1. Ngộ độc do thừa vitamin A
Trong một số trường hợp bé được chỉ định bổ sung vitamin A. Tuy nhiên nếu sử dụng liều cao kéo dài em bé dễ bị ngộ độc. Các triệu chứng đặc trưng là: mệt mỏi, dễ bị kích thích, chán ăn, sút cân, nôn, rối loạn tiêu hóa, sốt, gan – lách to, da bị biến đổi, rụng tóc, tóc khô ròn, môi nứt nẻ và chảy máu, thiếu máu…
Đặc biệt, khác với người lớn, trẻ em còn gặp một số triệu chứng khác như tăng áp lực nội sọ (thóp căng), phù gai mắt, ù tai, rối loạn thị giác, sưng đau dọc các xương dài. Khi ngừng dùng vitamin A thì các triệu chứng cũng mất dần nhưng xương có thể ngừng phát triển do các đầu xương dài đã cốt hóa quá sớm.
Nếu dùng vitamin A quá liều thì một số triệu chứng cấp tính như buồn ngủ, chóng mặt hoa mắt, buồn nôn, nôn, dễ bị kích thích, nhức đầu, mê sảng và co giật, ỉa chảy…. Các triệu chứng xuất hiện từ 6 đến 24 giờ sau khi uống thuốc. Khi đó cha mẹ phải ngừng dùng thuốc cho trẻ và đưa tới cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
2. Vitamin D
Dư thừa vitamin D có thể làm cho trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, làm tăng canxi máu; ở trẻ dưới 1 tuổi có thể gây kích thích, co giật, xương hóa sụn sớm.
3. Vitamin C
Thông thường vitamin C rất dễ bị đào thải ra ngoài và không có hiện tượng tích lũy nên hầu như không gặp hiện tượng dư thừa. Tuy nhiên, nếu sử dụng liều cao có thể gây tiêu chảy, viêm loét dạ dày.
Việc dùng liều cao có thể gây tan máu, nhất là ở những người thiếu men glucose 6 photphat dehydrogenase, người đang có tăng sắt huyết thanh, loãng máu.
4. Vitamin E
Nếu dùng quá liều sẽ gây chứng thừa vitamin E (dùng liều cao trên 300UI/ngày) gây rối loạn tiêu hóa, đau đầu, rối loạn thị giác, ức chế chức năng sinh dục, gây tổn thương thận nếu dùng liều cao sẽ làm tổn thương chức năng thận của trẻ
5. Vitamin nhóm B
Vitamin nhóm B ít khi thấy thừa trong cơ thể, một phần vì cơ thể không tự tổng hợp được, phải dựa vào nguồn thực phẩm, mặt khác, vì chúng rất dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ cao và điều kiện bảo quản không tốt.
Thừa vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin. Biểu hiện là các rối loạn viêm da, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nhức đầu, mệt mỏi, chảy máu và những triệu chứng khác. Trẻ thiếu loại vitamin B6 thường hay cáu kỉnh, đau bụng, sụt cân, nôn mửa nhiều.
Thừa vitamin B12 có thể gây hoạt hóa hệ đông máu làm tăng đông, gây tắc mạch. Khi không thiếu vitamin thì không cần bổ sung bằng thuốc mà có thể sử dụng vitamin dưới dạng thức ăn.
Phan Thị Thu Thùy.
Trung Tâm CSSKSS Khánh Hòa
Theo nguồn Healthplus.vn