NHỮNG ĐIỀU BÀ MẸ CẦN BIẾT KHI ĐƯA CON ĐI TIÊM CHỦNG

06/11/2015 14:15        
Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng tránh những bệnh tật nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, sởi và viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.

Các bậc cha mẹ cần giữ sổ và phiếu tiêm chủng đầy đủ để theo dõi lịch tiêm chủng của con mình.

Các vắc-xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng là an toàn. Để chăm sóc sức khỏe trẻ tốt hơn khi đi tiêm chủng, các bà mẹ cần lưu ý:

- Các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm.

- Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số biểu hiện thông thường như: sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc... Các bà mẹ nên chú ý đến trẻ hơn và đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu thấy các phản ứng kéo dài trên 1 ngày.

- Khi trẻ sốt cao, các bà mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế.

- Những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường hiếm gặp, như sốc phản vệ với tỷ lệ 1/1 triệu liều vắc-xin và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời.

- Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình sau khi tiêm cần trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.

- Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái... các bà mẹ cần đưa NGAY trẻ tới cơ sở y tế.

Vì sự an toàn của trẻ, các bà mẹ cần theo dõi trẻ sau tiêm chủng. Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.

Tiêm chủng - niềm hạnh phúc của trẻ thơ.
                                                                                                           

Phan Thị Thu Thùy.
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa

Viện vệ sinh dịch tễ trung ương dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia.

 

Liên kết