NHỮNG DẤU HIỆU TRẺ CHẬM NÓI

29/10/2015 15:37        
Nghe nhạc, cách đơn giản để phát triển tư duy của trẻ / Bé 3 tuổi vẫn chưa nói rõ.
Từ 12 tháng đến 3 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển mạnh về mặt ngôn ngữ. Từ lúc chỉ biết "ê a", trẻ dần biết nói các từ đơn, từ đôi, đoạn 4 từ rồi cả một câu ngắn, một số trẻ bắt đầu biết kết hợp các câu ngắn thành một câu dài. Tuy nhiên, đối với trẻ chậm nói thì chỉ có thể phát âm được các từ đơn giản. Vậy đâu là các triệu chứng cơ bản của chứng chậm nói này và nguyên nhân từ đâu?

Quy trình phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ
0 đến 3 tháng
Đầu tiên, bé chỉ phát ra âm thanh bằng tiếng khóc, dần dần bắt đầu phát ra âm thanh mà không khóc. Bạn sẽ nghe tiếng gù gù và tiếng nói từ trong họng của bé. Kế tiếp bé sẽ sử dụng những nguyên âm. Khi gần được 3 tháng, bé bắt đầu cười.

Kèm theo việc có những âm thanh không kèm theo tiếng khóc, bé bắt đầu phản ứng với những người xung quanh khi nói chuyện với mình. Khởi đầu bé phản ứng bằng nét mặt và cử động thân thể. Sau đó bé sẽ phát ra âm thanh nhẹ khi được nói chuyện.

3 đến 6 tháng
Ở giai đoạn này bé có thể phát ra 2 nguyên âm khác nhau và tự làm điều này khi ở một mình.
Bé bắt đầu sử dụng nguyên âm và phụ âm cùng lúc, để phát ra các tiếng như "ba", "da"...
Bé có thể có những âm thanh khác nhau khi muốn diễn tả những cảm giác khác nhau. Bé có thể tung trái nho hay làm những cử chỉ khác nhau, bắt chước cử chỉ của người lớn làm với trẻ. Ngoài ra, bé cũng cố gắng nói bằng âm thanh của mình.

6 đến 9 tháng
Bây giờ bé có thể phát ra ít nhất 4 âm thanh khác nhau. Bé có thể lặp lại những từ có 2 âm như dada, mama...
- Bé có thể luân phiên tạo ra âm thanh hay hành động với người lớn.
- Bé có thể la lên để gây sự chú ý, tự bảo vệ khi có ai làm những việc trẻ không thích bằng cách khóc hay làm ra những tiếng động lớn.
- Trẻ cười và ê a khi nhận ra những khuôn mặt quen thuộc.
- Kỹ năng bắt chước phát triển, trẻ có thể bắt chước hành động như vỗ tay, vẫy tay. Bé cũng có thể bắt chước âm thanh khi có ai ê a với bé. 

9 đến 12 tháng
- Bé có thể phát âm ê a kéo dài thành một chuỗi âm thanh có ngữ điệu giống như tiếng nói của người lớn. Có bé sẽ bắt đầu có những đòi hỏi rõ ràng. Bé sẽ nhìn vật xung quanh, sau đó nhìn người xung quanh, dùng cử chỉ hoặc âm thanh để chia sẻ thông tin về những gì bé thấy. Bé phát âm để bắt đầu cho việc liên hệ với người lớn.
- Bé có thể bắt chước cử động của nét mặt như ho, nhăn mặt, hoặc đưa lưỡi liếm môi và thích bắt chước hành động kết hợp với âm thanh như chà sát trên bụng và phát ra âm thanh yum yum...

12 đến 15 tháng
- Bây giờ trẻ thích thú nói chuyện. Bé phát âm giống như các tiết tấu trong âm nhạc để giữ cho câu chuyện tiếp tục. Bé thích đưa đồ vật cho người lớn cùng với việc tạo âm thanh. Bé có thể kết hợp âm thanh và cử chỉ để chào hay tạm biệt. Bé có thể bắt chước âm gần giống như "bu" hay "tu" hay "u"...
- Bé có thể dùng 2 từ liên tục, mặc dù chỉ là gần đúng.
- Bé có thể phát âm một từ hoặc gần giống như vậy để trả lời câu hỏi "cái gì đây?".
- Ngữ điệu của bé tốt hơn, bạn có thể nhận biết ngữ điệu của câu hỏi hoặc câu trả lời.

15 đến 18 tháng
- Ở độ tuổi này trẻ sử dụng tốt 4 đến 6 từ, thường là gọi tên vật, từ "không" hoặc từ "chào". Khi trẻ không biết từ trẻ thường kết hợp phát âm kết hợp với cử chỉ như đưa hoặc vẫy.
- Trẻ có thể hát những bài hát quen thuộc.
- Kỹ năng bắt chước của trẻ rất tốt, trẻ có thể lặp lại những từ cuối khi người lớn nói với trẻ.

18 đến 2 tuổi
Trẻ có thể biết khoảng 25 từ. Trong đó trẻ biết gọi tên người và đồ vật, dùng từ để chào tạm biệt, ít nhất 2 từ diễn tả hành động, từ để hỏi hay từ chối.
- Trẻ có thể bắt chước cụm 2 từ, và không dùng một cách ngẫu nhiên.
- Người tiếp xúc với trẻ nhiều có thể hiểu câu nói của trẻ, ít nhất 2/3 thời gian.

2 đến 3 tuổi
- Ở độ tuổi này dần dần trẻ có thêm nhiều từ. Trẻ có được khoảng 50 từ khi 2,5 tuổi và đến 3 tuổi trẻ có khoảng 200 từ.
- Đầu năm trẻ biết kết hợp từ vào cụm có 2 từ, cuối năm trẻ có thể dùng cụm ba từ.
- Trẻ biết luân phiên trong câu chuyện. Lúc đầu trẻ luân phiên với từ đơn dần dần trẻ luân phiên bằng câu, cho đến khi trẻ có thể kéo dài câu chuyện về một chủ đề đơn giản, dùng cụm 2-3 từ.
- Trẻ bắt đầu hiểu khái niệm văn phạm như con, cháu, ông, bà.
- Trẻ cũng biết nhịp điệu của bài hát.
- Trẻ tự nói chuyện với mình khi chơi và câu chuyện của trẻ khá dễ hiểu.

Những dấu hiệu cần lưu ý trong quá trình phát triển ngôn ngữ của bé:
Trong giai đoạn từ 12 đến 24 tháng tuổi, phụ huynh nên chú ý nếu trẻ có những dấu hiệu sau:
- Không sử dụng điệu bộ, cử chỉ, chẳng hạn chỉ hoặc vẫy tay bye bye khi được 12 tháng tuổi.
- Thích dùng cử chỉ hơn là lời nói để giao tiếp khi đến 18 tháng tuổi.
- Không bắt chước được âm thanh khi 18 tháng tuổi.
- Có khó khăn trong việc hiểu các yêu cầu đơn giản.

Trong giai đoạn 2-3 tuổi phụ huynh nên đưa bé đi khám nếu phát hiện các dấu hiệu sau:
- Chỉ có thể bắt chước âm thanh hoặc hành động và không tự mình phát âm từ hoặc các cụm từ.
- Chỉ nói một số âm thanh hoặc từ nào đó lặp đi lặp lại và không thể sử dụng ngôn ngữ nói để trò chuyện ngoài những nhu cầu thiết yếu.
- Không thể tuân theo các chỉ dẫn đơn giản.
- Có giọng nói khác thường (nghe như giọng mũi hoặc the thé hoặc bắt chước tiếng con vật trong phim).
- Khó khăn trong việc hiểu ở tuổi này. Cha mẹ phải hiểu được khoảng một nửa số từ trẻ nói ra khi 2 tuổi và khoảng 3/4 vào lúc 3 tuổi. Vào năm trẻ lên 4, thậm chí người lạ cũng phải hiểu được trẻ nói gì.

Nguyên nhân gì khiến trẻ chậm nói?
Về mặt thể chất:
Nhiều nguyên nhân có thể khiến trẻ chậm phát triển khả năng nói và ngôn ngữ. Đôi khi chỉ là do trục trặc trong vòm miệng, như với lưỡi hoặc hàm ếch. Dây hãm ngắn cũng có thể hạn chế cử động của lưỡi khiến trẻ khó nói...

Trục trặc trong khả năng nghe cũng thường có liên quan đến việc chậm nói, đó là lý do vì sao trẻ nên được bác sĩ tai mũi họng kiểm tra khi có vấn đề về nói. Trẻ khó nghe cũng sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.

Về mặt tâm lý:
Nhiều ba mẹ thường để trẻ xem TV hay dùng điện thoại thông minh để bé ngồi yên, ăn ngoan hay mình rảnh làm việc nhà... Tuy nhiên, đây lại là một trong những lý do phổ biến khiến trẻ chậm nói. Trẻ xem TV như thế trong một thời gian dài sẽ bị ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển ngôn ngữ, cũng như tạo tiền đề cho nhiều hội chứng khác. Lý do là, khi xem TV và sử dụng điện thoại thông minh, trẻ không cần phải nói, không cần suy nghĩ, chỉ ngồi yên và nhìn, đưa tay chỉ, chạm vào màn hình dần tạo thói quen lười nói và giao tiếp ở trẻ.

Ngoài ra, nguyên nhân gây chậm nói còn có thể đến từ các hội chứng tự kỷ, tăng động kém chú ý. Cha mẹ khi phát hiện con chậm nói nên cho bé đi khám ngay.

Cha mẹ nên làm gì khi có con trong giai đoạn từ 2-3 tuổi?
- Dành thật nhiều thời gian trò chuyện với con, thậm chí từ lúc ẵm ngửa - nói hát và bắt chước các âm thanh và cử chỉ.
- Đọc cho trẻ nghe, bắt đầu từ lúc 6 tháng, những cuốn sách mà trẻ có thể bắt chước cử động, hoặc có các hình hoa văn để trẻ có thể chạm vào. Cho trẻ chỉ các bức tranh và cố gắng gọi tên chúng.
- Tận dụng mọi tình huống hàng ngày để khuyến khích trẻ nói và bộc lộ ngôn ngữ. Mặt khác, bạn cũng nói liên tục nếu có thể. Chẳng hạn, gọi tên thức ăn khi ở trong quầy hàng, giải thích bạn đang làm gì khi bạn đang nấu hoặc lau nhà, chỉ các vật ở quanh nhà, và khi đưa bé lên xe, chỉ các âm thanh mà bạn nghe thấy. Đặt câu hỏi và lắng nghe bé trả lời. Nên đưa trẻ đi khám và can thiệp kịp thời khi trẻ có các dấu hiệu bất thường.

Khi con có biểu hiện chậm nói, không ít phụ huynh chưa vội tìm lời khuyên của chuyên gia ngay và tự nhủ "Không có gì phải lo lắng...", "một số trẻ biết đi sớm hơn và số khác nói sớm hơn" và thường trì hoãn việc tìm lời khuyên của các chuyên gia. Một vài người có thể tự trấn an rằng "nó sẽ lớn thôi" hoặc "thằng bé chỉ thích các hoạt động thể chất". Sự chủ quan này sẽ làm trễ việc phát hiện các dấu hiệu của trẻ và ảnh hưởng đến thời gian can thiệp cho trẻ. Cha mẹ nên chú ý, phát hiện kịp thời và cho bé đi khám, điều trị càng sớm càng tốt, do giai đoạn 2-3 tuổi là giai đoạn vàng để can thiệp, trị liệu cho bé. Trẻ càng lớn càng khó can thiệp hơn, thời gian điều trị cũng lâu hơn. 

Dù bé ở giai đoạn nào đi nữa, sự quan tâm chăm sóc và yêu thương từ gia đình luôn là yếu tố then chốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ.


Phan Thị Thu Thùy. 
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa


Theo nguồn : Chuyên gia tâm lý Lê Khanh
Giám đốc Trung tâm kỹ năng sống Rồng Việt Vũng Tàu
 

Liên kết