Bạn cần tăng cường tập cho con bú trong những ngày đầu tiên bởi việc học ngậm bắt vú sẽ dễ dàng hơn cho bé khi bầu ngực của mẹ còn mềm mại, bên cạnh đó bầu vú cần được kích thích bằng động tác mút của bé để có thể sản xuất đủ sữa sau này.
Khi trẻ sơ sinh chào đời đã có dự trữ nước và chất dinh dưỡng đủ trong vài ngày đầu, do đó một lượng nhỏ sữa non của mẹ cũng đủ cho các bé. Lúc này, quá trình sản xuất sữa mẹ còn chưa được thiết lập hoàn chỉnh, ngực mẹ vẫn mềm nên bé có thể dễ dàng học ngậm bắt vú đúng cách. Thông thường, đa số bé cần được giúp đỡ lúc ban đầu.
Khuyến cáo nuôi con bằng sữa mẹ:
Nên cho bé bú càng sớm càng tốt để tận hưởng nguồn sữa non từ mẹ
Cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên, không bổ sung bất cứ thức uống nào khác kể cả nước, trừ khi có chỉ định của bác sĩ
Khuyến khích người mẹ nên cho trẻ bú theo nhu cầu
Không nên cho bé bú bình và ngậm vú giả, trong những trường hợp đầu vú mẹ bị tụt, người mẹ có thể sử dụng dụng cụ trợ ti để cho bé bú
Từ tháng thứ 6 trở đi, bắt đầu cho bé ăn dặm và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng
Nếu bé không bú được sữa mẹ do bé ốm, mẹ nên vắt sữa và cho bé uống
Kỹ thuật cho bú đúng cách
Khi thức, bé sẽ ngọ nguậy đầu, tìm kiếm và cảm nhận bầu vú mẹ bằng miệng và môi của mình. Các bước dưới đây sẽ giúp mẹ tạo điều kiện để bé ngậm bắt bầu vú đúng cách:
Đầu tiên hãy áp bụng bé vào sát thân và ngực mẹ,
Toàn bộ thân bé được nâng đỡ bằng cẳng tay mẹ, còn tay kia mẹ giữa hông của bé. Lúc đó bé có thể ngọ nguậy để tìm ti mẹ
Đầu và thân bé thẳng hàng, có thể ngửa nhẹ đầu bé về phía sau để bé hút và nuốt sữa dễ dàng hơn. Ở tư thế đầu ngả sau và miệng mở rộng, lưỡi bé sẽ tự động hạ thấp, sẵn sàng để bầu sữa mẹ áp vào đầu lưỡi.
Để bầu bú mẹ ở tư thế tự nhiên, miệng bé ngang tầm vú mẹ, khi cảm nhận được vú mẹ bằng má của mình, bé có thể há rộng miệng và tìm cách ngậm núm vú.
Ngậm bắt vú đúng cách:
Hai má bé phồng lên
Cằm bé chạm vú mẹ
Môi dưới đưa ra ngoài
Quầng vú còn lại phía trên nhiều hơn phía dưới
Khi ngậm bắt vú mẹ, miệng bé ôm chặt quanh núm vú và phần lớn quầng vú.
Làm thế nào để biết trẻ bú có hiệu quả
Bé ngậm bắt vú dễ dàng, người mẹ không cảm thấy đau đầu vú khi bé bú
Bé mút chậm, sâu, thỉnh thoảng nghỉ
Thời gian bú tuỳ theo từng bé và lượng sữa mẹ, trung bình 10 – 30 phút
Bé tự động ngừng bú khi no, không quấy khóc
Sau khi bú, bé ngủ từ 2 – 4 giờ
Bé bú ≥ 8 lần/ngày
Bé tăng cân đủ và đều, trung bình 20 – 30 g/ngày
Bé đi tiểu từ 6 – 8 lần/ngày, nước tiểu vàng nhạt hoặc trong
Đôi khi các mẹ cảm thấy đau ở đầu cữ bú và chỉ hết đau khi hai mẹ con tìm được tư thế thích hợp và bé ngậm bắt vú đúng cách. Lý do khiến mẹ bị đau thường là do bé chỉ mút núm vú. Nhẹ nhàng đưa một ngón tay sạch vào góc miệng của bé kéo vú ra khỏi miệng bé để tạm dừng cữ bú, sau đó cho bé ngậm bắt vú lại.
Các mẹ cần lưu ý rằng khi rời khỏi miệng bé, núm vú trông phải tròn trịa và dài hoặc giữ nguyên hình dáng như trước khi bú.
Bé ngậm bắt núm vú sai có thể khiến núm vú bị dẹt hoặc xẹp lại.
Trường hợp bé bú yếu, mẹ cũng có thể tạm dừng cữ bú như cách nêu trên và cho bé ngậm núm vú lại.
Chúc các mẹ nuôi con thật tốt và những đứa con sẽ càng lớn càng khỏe mạnh, thông minh nhờ nguồn sữa mẹ quí giá.
BS.CKI.Trần Thị Quỳnh Uyên
Phó Khoa CSSKBM -KHHGĐ
Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Nguồn: Bệnh viện nhi Trung ương
Trung tâm dinh dưỡng Tp Hồ Chí Minh